Xanh thêm những cánh rừng

16:53, 20/03/2018

Để công tác trồng rừng năm 2018 đảm bảo về diện tích, chất lượng, hiện nay, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đang phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực chuẩn bị hiện trường, cây giống, phân bón… phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Vừa khai thác xong 3ha keo, không cho đất nghỉ, gia đình chị Long Thị Phương, ở xóm Khe Quân, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) đã bắt tay ngay vào dọn dẹp cỏ dại và tiến hành xử lý thực bì để chuẩn bị cho vụ trồng rừng mới. Trên vạt đồi ở lưng chừng núi, gia đình chị cũng như nhiều hộ dân trong xóm đang tập trung đốt thực bì, cuốc hố. Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Phương chia sẻ:  Chục năm trở về trước, diện tích rừng của nhà tôi chủ yếu là cây bụi, thường khai thác để làm củi đun nấu, sao chè. Được cán bộ kiểm lâm hướng dẫn, gia đình tôi đã chuyển sang trồng cây keo lai, sau 7 năm đã cho thu hoạch. Năm nay, tôi lại tiếp tục trồng cây keo. Tôi nhận thấy trồng rừng không mất nhiều công chăm sóc, chỉ trong vòng 1, 2 năm đầu phải phát dọn cỏ dại, trồng dặm những cây bị chết. Hiện nay, trung bình 1ha keo của bà con trong xóm cho thu từ 50-70 triệu đồng. Đã có nhiều hộ đầu tư mạnh vào trồng rừng, thu về hàng trăm triệu đồng sau mỗi vụ trồng keo.

Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Anh Tuấn, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ cho biết: Trong những năm gần đây, người dân trên địa bàn huyện tập trung phát triển kinh tế trồng rừng, góp phần giảm nghèo, làm giàu. Năm 2018, toàn huyện có kế hoạch trồng mới trên 1.000ha rừng, trong đó, trồng rừng theo dự án 520ha, còn lại do người dân tự bỏ vốn trồng. Để hoàn thành kế hoạch, chúng tôi đã cử cán bộ phối với các địa phương hướng dẫn bà con kỹ thuật phát dọn thực bì, cuốc hố đúng quy cách, mật độ để cây phát triển tốt nhất và nghiệm thu sơ bộ hiện trường trồng rừng. Thời điểm này, chúng tôi đã thiết kế trồng rừng được 425ha.

Không chỉ ở Đồng Hỷ, nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đang tích cực chuẩn bị các điều kiện phục vụ trồng rừng. Anh Hoàng Văn Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Bình cho biết: Năm nay, toàn huyện phấn đấu trồng 250ha rừng, giảm 100ha so với năm ngoái. Diện tích rừng của huyện chủ yếu tập trung ở các xã: Tân Thành, Tân Kim, Tân Hòa, Bảo Lý, Bàn Đạt, Điềm Thụy... Đặc thù của huyện là chỉ có rừng sản xuất, không có rừng đặc dụng và không có cơ sở ươm cây giống lâm nghiệp. Vì vậy, trước thời điểm giao cây cho bà con, chúng tôi thường đi kiểm tra, giám sát để đảm bảo chất lượng cây giống tới tay người dân. Cùng với đó, phân công kiểm lâm địa bàn phối hợp với các xã tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách trồng rừng đến mọi người dân. Hiện nay, một số xã đã hoàn thành phần xử lý thực bì, đang đào hố để chuẩn bị trồng rừng.

Được biết, toàn tỉnh hiện có trên 186.485ha rừng (trong đó, diện tích rừng tự nhiên 76.493ha; rừng trồng gần 110.000ha; rừng trồng cây công nghiệp và đặc sản 42,27ha); tỷ lệ che phủ rừng đạt 52,78%. Theo kế hoạch, năm nay tỉnh ta sẽ trồng mới 3.545ha rừng (giảm hơn 400ha so với năm 2017), trong đó trồng rừng tập trung theo Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững 3.040 ha, còn lại là trồng cây phân tán. Trước đây, bà con chưa nắm rõ quy trình, kỹ thuật trồng rừng, có trường hợp còn mua phải cây giống không bảo đảm, tỷ lệ cây chết chiếm từ 10-15%.

Những năm gần đây, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn thường xuyên về cơ sở giúp các hộ chọn mua giống tại những cơ sở uy tín, được cấp phép; hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên tỷ lệ cây sống đạt cao. Khác với các năm trước, năm nay người dân chú trọng đến các giống cây lâm nghiệp có chất lượng cao như: keo tai tượng (keo Úc), quế, mỡ, lát… Đây là những loại cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị đổ ngã khi gặp thời tiết bất lợi, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên được người trồng rừng lựa chọn nhiều. Ngoài ra, theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay, hiện trường trồng rừng phần lớn ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn nên việc vận chuyển cây giống, phân bón và chăm sóc rừng sau khi trồng cũng gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết tình trạng trên, các địa phương đã huy động lực lượng duy tu, sửa chữa các tuyến đường nguyên liệu hư hỏng, xuống cấp để phục vụ việc vận chuyển vật tư trồng rừng được thuận tiện hơn.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Hoài Nam, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên cho biết: Để hoàn thành kế hoạch trồng rừng, chúng tôi đã thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị hiện trạng trồng rừng, kiểm tra các vườn ươm cây giống và kỹ thuật xử lý thực bì, cuốc hố, đảm bảo diện tích trồng rừng. Bên cạnh đó, Chi cục còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích nhân dân đưa loài cây gỗ lớn đa mục đích vào trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế; hướng dẫn bà con về kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng để đạt hiệu quả cao nhất. Toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành kế hoạch trồng rừng trong quý 3-2018. Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ công tác trồng rừng, chúng tôi cũng phối hợp với các địa phương tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng; nâng cao ý thức người dân trong phòng cháy, chữa cháy rừng.

Tính đến thời điểm này, các khâu cung ứng giống, kỹ thuật, chuẩn bị nhân lực... cho trồng rừng trên địa bàn tỉnh đã sẵn sàng. Với sự chuẩn bị chu đáo của lực lượng kiểm lâm và các cấp, các ngành có liên quan, cùng sự nỗ lực của nông dân trên địa bàn tỉnh, chắc chắn công tác trồng rừng năm 2018 trên địa bàn tỉnh sẽ sớm hoàn thành kế hoạch.