Cùng với Hợp Thành là xã được lựa chọn từ trước thì năm nay, huyện Phú Lương đã đăng ký thêm hai xã là: Phú Đô và Yên Lạc cùng về đích nông thôn mới. Đây là hai xã còn nhiều khó khăn, để đạt được 19/19 tiêu chí nông thôn mới là điều không dễ, cần sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị ở địa phương cùng với đó là sự hỗ trợ nguồn lực của tỉnh, huyện.
Phú Đô và Yên Lạc là 2 trong 5 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Phú Lương. Tỷ lệ hộ nghèo hiện nay của 2 xã này còn khá cao, xã Yên Lạc là 15,6%, xã Phú Đô là 23%. Tuy nhiên, căn cứ trên kết quả rà soát số tiêu chí đã đạt của 2 địa phương này (xã Yên Lạc đạt 11/19 tiêu chí, xã Phú Đô 13/19), huyện Phú Lương đã lựa chọn hai xã về đích nông thôn mới trong năm 2018. Đây được xem là niềm vui với địa phương bởi sẽ được quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa, song cũng là nỗi lo vì cần dồn lực, tập trung cao độ mới có thể đạt được kế hoạch đề ra.
Với xã Yên Lạc, hiện nay địa phương còn 8 tiêu chí chưa đạt, gồm: Giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở, thu nhập, hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm, quốc phòng và an ninh. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Xuân Thụ, Chủ tịch UBND xã Yên Lạc cho biết: Trong 8 tiêu chí còn lại, địa phương lo lắng nhất là tiêu chí trường học vì cần nguồn vốn đầu tư lớn. Để hoàn thành tiêu chí này, địa phương sẽ phải đầu tư trên 8 tỷ đồng để xây mới và sửa chữa 2 trường học: Trường THCS Yên Lạc và Trường Tiểu học Yên Lạc 2. Chúng tôi đang đề nghị huyện rà soát, cân đối các nguồn vốn ưu tiên đầu tư cho xã.
Cùng với tiêu chí trường học thì tiêu chí thu nhập và hộ nghèo mà xã Yên Lạc sẽ phải đặc biệt quan tâm, có những giải pháp cụ thể mới có thể hoàn thành. Hiện nay, thu nhập bình quân trên địa bàn xã mới chỉ đạt 24 triệu đồng/người/năm (để hoàn thiện tiêu chí phải đạt 29 triệu đồng/người/năm). Để hoàn thành tiêu chí này, giải pháp của Yên Lạc sẽ tập trung đầu tư phát triển cây chè, cây lúa và chăn nuôi. Riêng với cây chè, xã chỉ đạo bà con tích cực chăm sóc tốt diện tích chè kinh doanh nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời, cải tạo đất để trồng thay thế những diện tích chè trung du già cỗi, kém năng suất. Với chăn nuôi, địa phương giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thành lập các nhóm, tổ nhân rộng mô hình gà giun quế, ong lấy mật. Ngoài ra, ngay từ đầu năm, xã đã phối hợp với huyện giới thiệu việc làm cho hàng trăm lao động địa phương đến làm việc tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên và các công ty phụ trợ.
Với xã Phú Đô, hiện nay, địa phương đã hoàn thành 13/19 tiêu chí. 6 tiêu chí chưa đạt, gồm: Giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở, thu nhập, hộ nghèo, quốc phòng và an ninh. Theo ông Nguyễn Ngọc Tân, Chủ tịch UBND xã, mặc dù còn 6 tiêu chí chưa đạt song chỉ cần thực hiện tốt được tiêu chí Giao thông thì các tiêu chí còn lại sẽ dễ dàng đạt được. Tuy nhiên, để hoàn thiện được tiêu chí này, xã cần huyện, tỉnh hỗ trợ nguồn lực (khoảng 16 tỷ đồng) nhằm giảm tiền đối ứng cho nhân dân. Cụ thể, chỉ để bà con đối ứng 15% (trước đối ứng 35%) cùng với việc hiến đất và tài sản trên đất, còn lại là Nhà nước hỗ trợ thì 9,7km đường trục xóm, liên xóm địa phương sẽ hoàn thành được trong năm nay.
Cũng theo lãnh đạo chính quyền địa phương, khi tiêu chí giao thông hoàn thiện sẽ là đòn bẩy để thực hiện các tiêu chí còn lại. Giao thông thuận lợi, người dân sẽ có điều kiện trao đổi, giao thương hàng hóa. Bởi lẽ, hiện nay, với thế mạnh về rừng trồng, chăn nuôi nhưng nhiều xóm trên địa bàn xã như: Làng Vu 1; Khe Vàng 1, Khe Vàng 2, Khe Vàng 3… lại không thuận lợi về giao thông, người dân thường bị tư thương ép giá khi xuất bán hàng hóa. Ông Nguyễn Ngọc Tân cho biết thêm: Cùng với việc hoàn thiện hệ thống đường giao thông làm đòn bẩy để phát triển kinh tế, địa phương đang đề nghị huyện tạo điều kiện chuyển đổi trên 170ha đất lúa kém hiệu quả, không chủ động được nguồn nước để bà con chuyển sang trồng chè và một số cây màu khác. Có như vậy, mức thu nhập bình quân đầu người trên địa xã sẽ đạt được mốc 29 triệu đồng/người/năm (hiện nay, thu nhập bình quân đạt trên 27 triệu đồng/người/năm), góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã từ 23% xuống 12% để đạt kế hoạch.
Trao đổi về hai xã Yên Lạc, Phú Đô phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm nay, ông Ma Tiến Kốp, Phó chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Phú Lương cho biết: Yên Lạc và Phú Đô là 2 xã không nằm trong dự kiến ban đầu về đích nông thôn mới của huyện. Do đó, nếu nói để huyện có kế hoạch ưu tiên đầu tư nguồn lực cho hai xã này hiện nay là chưa có, chủ yếu hai địa phương sẽ phải huy động nội lực để thực hiện. Về phía huyện Phú Lương, ngoài việc rà soát, cân đối các nguồn vốn theo các chương trình để ưu tiên cho 3 xã điểm, huyện đang đề nghị tỉnh sớm có hỗ trợ nguồn vốn để ba xã về đích theo đúng kế hoạch đề ra.