Đảm bảo an toàn hệ thống đê điều

10:47, 02/04/2018

Để chủ động phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong mùa mưa bão, tỉnh ta đã và đang tập trung nguồn lực xử lý các sự cố, gia cố hệ thống đê điều. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý bảo vệ an toàn các tuyến đê, sẵn sàng ứng phó với những tình huống diễn biến bất thường của thời tiết.

Hơn 5 tỷ đồng là số tiền tỉnh dành để đầu tư nâng cấp mặt đê Gang thép (T.P Thái Nguyên) đoạn từ K2+100 đến K3+400. Hiện nay, đơn vị thi công đang tích cực triển khai dự án để kịp bàn giao cho đơn vị quản lý trước mùa mưa bão năm nay. Trao đổi với chúng tôi, anh Lục Tuấn Anh, Hạt trưởng Hạt quản lý đê T.P Thái Nguyên cho biết: Đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý 3 tuyến đê, gồm: đê Mỏ Bạch, đê hữu Sông Cầu và đê Gang thép với tổng chiều dài gần 12km. Trước mùa mưa, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương huy động nhân lực tổ chức phát quang hàng lang đê; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không lấn chiếm vi phạm hành lang đê. Vào mùa mưa, chúng tôi cử cán bộ trực 24/24 giờ để canh gác, phát hiện những sự cố và kịp thời xử lý.

Còn tại huyện Phú Bình, Hạt Quản lý đê Hà Châu cũng đã tiến hành duy tu, sửa chữa mặt đê; làm rãnh thoát nước dọc hai bên đê để chống vi phạm hành lang; xây dựng kè chống sạt lở bờ sông đoạn từ K3+500 đến K3+700 và từ K4+950 đến K5+350. Anh Nguyễn Văn Quảng, cán bộ điều hành Hạt quản lý đê Hà Châu (Phú Bình) cho biết: Để đảm bảo an toàn tuyến đê trong mùa mưa bão, Hạt đã triển khai tới các thủ kè, thủ cống kiểm tra toàn bộ thân đê, kè, cống nhằm phát hiện những vị trí hư hỏng để đề nghị sửa chữa. Cùng với đó, Hạt còn phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý kiên quyết, dứt điểm tình trạng vi phạm Luật Đê điều. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ đá hộc, đá dăm, rọ thép, bạt chắn sóng, phao cứu sinh... để sẵn sàng ứng cứu trong trường hợp cần thiết.

Được biết, toàn tỉnh hiện có 48,2km đê, trong đó bao gồm các tuyến: đê Chã, đê Sông Công, đê Hà Châu (thuộc huyện Phú Bình và T.X Phổ Yên); đê Hữu Cầu, đê Gang Thép, đê Mỏ Bạch (thuộc T.P Thái Nguyên, huyện Phú Bình) và đê kè Đô Tân - Vạn Phái (T.X Phổ Yên). Trước dự báo tình hình mưa bão năm 2018 sẽ diễn biến phức tạp, thời gian qua, các địa phương có đê đã tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi chặt chẽ diễn biến của công trình để xây dựng phương án hộ đê. Các địa phương cũng đã tăng cường xử lý các hành vi vi phạm, gây mất an toàn cho các công trình đê điều; chủ động xây dựng các phương án trọng điểm phòng chống thiên tai. Anh Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế T.X Phổ Yên cho biết: Trên địa bàn thị xã có hơn 31km đê, 15 tuyến kè và 13 cống tiêu nước. Trong mùa mưa bão, chúng tôi duy trì chế độ trực 24/24 giờ để chủ động nắm chắc tình hình, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng để ứng phó kịp thời, hiệu quả với các tình huống thiên tai, sự cố xảy ra.  Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai, Pháp lệnh về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, Nghị định xử phạt hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống lụt bão; pháp lệnh PCLB… để người dân hiểu và chủ động ứng phó trước mùa mưa bão, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống thiên tai.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Thành Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: Vào trung tuần tháng 3, chúng tôi đã tổ chức đi kiểm tra đánh giá chất lượng, hiện trạng công trình đê, kè, cống trước mùa mưa bão để xác định và xây dựng các phương án hộ đê cho từng tuyến, từng đoạn đê cụ thể. Qua kiểm tra cho thấy, hiện nay, cơ bản hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh đều bảo đảm đủ khả năng chống lũ so với mực nước thiết kế. Tuy nhiên, vẫn còn một số vị trí cần sửa chữa như: duy tu mặt đê đoạn đê đất từ K6+720 đến K13+700 đê Hà Châu; sửa Kè Hà Châu 3; cống Hà Trạch, xã Hà Châu (Phú Bình); kè Soi Quýt, xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên). Đặc biệt, tuyến đê Hà Châu tại các vị trí từ K15+500 đến K16+500 xuất hiện tổ mối trên đê cần được xử lý ngay, nếu không sẽ gây mất an toàn thân đê. Ngoài ra, số lượng vật tư, phương tiện phòng chống thiên tai của của tỉnh và các địa phương đã được chuẩn bị đầy đủ và tập trung tại các kho vật tư, các trọng điểm xung yếu đê, kè, cống. Các lực lượng phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn được tổ chức tập huấn, sẵn sàng tham gia ứng cứu theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ và phương tiện tại chỗ).