Hướng đi mới của Trung Thành

09:57, 12/04/2018

Hơn 10 năm trở lại đây, người dân xóm Trung Thành, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) đã xây dựng thành công  “thương hiệu” sản phẩm chè. Không dừng lại ở đó, bà con còn tích cực phát triển kinh tế theo hướng đa dạng, mang lại nguồn thu nhập cao.

Là vùng đất có thổ nhưỡng phù hợp với cây chè, từ lâu sản phẩm chè Trung Thành đã được người thưởng trà trong và ngoài tỉnh biết đến. Đây cũng là địa phương tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu giống chè khi năm 2000, người dân trong xóm đã mạnh dạn phá bỏ những diện tích chè trung du già cỗi để trồng thay thế vào đó giống chè lai như LDP1, PH…

Tuy nhiên, hơn 10 năm trước, bà con sản xuất chè theo phương thức truyền thống nên chất lượng chè đạt được chưa tương xứng với tiềm năng của một địa phương có hơn nửa thế kỷ gắn bó với cây chè. Nguyên nhân là do bà con chăm bón, thu hái, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại… cho chè chưa đảm bảo quy trình kỹ thuật. Năm 2009, khi mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP (sản xuất nông nghiệp tốt) đầu tiên của tỉnh được triển khai tại đây, người dân trong xóm đã có ý thức hơn trong sản xuất, chế biến chè an toàn.

Ông Lê Huy Phúc, trưởng xóm Trung Thành cho hay: Từ 8,7ha chè được cấp Giấy chứng nhận VietGAP đầu tiên, đến nay, hầu hết diện tích chè của xóm (khoảng 40ha) đều được bà con sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc theo hướng an toàn. Không chỉ cho năng suất ổn định (từ 15 đến 20 kg chè búp khô/sào/lứa đối với các giống chè lai; từ 12-13kg chè búp khô/sào/lứa đối với giống chè trung du, một năm được thu từ 7 đến 8 lứa chè), sản phẩm chè búp khô của xóm luôn được bán với giá cao hơn từ 30 đến 50% so với trước. Vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua, chè búp khô được bà con bán với giá trên dưới 400 nghìn đồng/kg. Thu nhập từ chè tăng lên đã góp phần cải thiện cuộc sống người dân.

Cùng với phát triển cây chè, người dân Trung Thành còn quan tâm phát triển kinh tế đồi rừng. Ông Phúc cho rằng đây là một hướng đi rất đúng đắn. Tuy trồng rừng không cho thu nhập thường xuyên như cây chè nhưng mất ít vốn đầu tư, công chăm sóc mà thu nhập lại khá cao. Với giá bán khoảng trên dưới 200 triệu đồng/ha keo lai như hiện nay, sau từ 6 đến 7 năm, người trồng rừng sẽ có nguồn thu khá lớn.

Hiện Trung Thành có khoảng 500ha  rừng, hộ ít có khoảng 1ha rừng, hộ trung bình có từ 2 đến 3ha, hộ nhiều có đến 10ha. Hộ phát triển kinh tế rừng hiệu quả của xóm phải kể đến là ông Phạm Bá Cường. Gia đình ông Cường có 3ha rừng. Do đầu tư, chăm sóc tốt nên rừng keo lai của ông trồng từ năm 2012 đến nay đã được thu hoạch. Hay như gia đình ông Đoàn Văn Tiến, có ha rừng keo lai, dự kiến sẽ cho thu trên dưới 400 triệu đồng khi được thu hoạch…

Không chỉ dừng lại ở việc phát triển kinh tế đồi rừng, khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở Trung Thành còn mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi gà, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, xóm có khoảng 15 trang trại chăn nuôi gà quy mô từ 5.000 đến 10.000 con. Điển hình là gia đình chị Âu Thị Quỳnh, có tới 3 trại gà, mỗi năm gia đình chị nuôi 3 lứa, mỗi lứa 10.000 con. Do có đầu ra thuận lợi, trung bình, 1.000 con, gia đình chị thu lãi 20 triệu đồng.

Luôn mạnh dạn trong phaát triïín kinh tế gia đình nên hầu hết các hộ dân trong xóm đều có cuộc sống khá ổn định. Hiện nay, xóm chỉ còn 3 hộ nghèo trong số 78 hộ dân của xóm. Đây là những hộ có người tàn tật, không có sức lao động. Tuy nhiên, nhận được sự đùm bọc về vật chất và tinh thần của bà con trong xóm, các hộ nghèo vẫn đang nỗ lực vươn lên từng ngày.

Đời sống kinh tế ngày một nâng lên, người dân Trung Thành đã có điều kiện đầu tư xây dựng nhà cửa, mua sắm các tiện nghi phục vụ sinh hoạt và tạo điều kiện cho con cái ăn học. Hiện, gần 100% số hộ trong xóm đã xây được nhà, có tivi, xe máy… Đặc biệt, trẻ em đến tuổi đều được đi học, tỷ lệ học sinh học hết THPT đạt 100% em, trong đó trên 90% em được đi học tại các trường trung cấp, cao đẳng và đại học…

Do người dân trong xóm tích cực lao động sản xuất, cùng nhau đoàn kết xây dựng nông thôn mới nên 5 năm nay, Trung Thành liên tục được công nhận đạt danh hiệu xóm văn hóa.

Về Trung Thành hôm nay, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay của một xóm mà đời sống của người dân chỉ phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Từ việc năng động trong cách nghĩ, cách làm, phát triển kinh tế theo hướng đa dạng, người dân Trung Thành không chỉ làm giàu cho gia đình mình mà còn góp phần làm giàu cho quê hương.