Vào thời điểm này, người dân trên địa bàn của tỉnh đang tích cực xử lý thực bì để chuẩn bị trồng rừng. Nhiều hộ dân trồng rừng sản xuất lựa chọn giải pháp dùng lửa xử lý thực bì để rút ngắn thời gian, công lao động. Tuy nhiên, nhiều người thiếu kiến thức trong quy trình xử lý thực bì bằng lửa nên đã xảy ra các vụ cháy rừng và nghiêm trọng hơn là thiệt hại về tính mạng, tài sản.
Vụ việc vừa xảy ra ở xóm Làng Mười, xã Dân Tiến (Võ Nhai) đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, với 2 người tử vong và một người bị thương. Theo đó, khoảng 14 giờ, ngày 2-4, bà Triệu Thị Huệ (sinh năm 1963), ở xóm Làng Mười, xã Dân Tiến cùng 2 người hàng xóm là chị Lý Thị Thu (sinh năm 1983) và chị Lý Thị Oanh (sinh năm 1978) lên bãi của gia đình bà Huệ thu dọn cành cây khô, cây bụi rồi lấy lửa đốt để chuẩn bị trồng rừng. Tuy nhiên, ngọn lửa đã cháy lan sang diện tích rừng tự nhiên. Cả ba người vội vàng lên phía trên để dập lửa, nhưng do cây rừng rậm rạp, nhiều cây bụi khô và gió lớn khiến ngọn lửa bùng phát mạnh nên không khống chế được. Một trong 3 người đã gọi điện báo cho người thân và dân làng lên ứng cứu. Mặc dù rất đông người dân cùng lực lượng chức năng lên ứng cứu, nhưng địa điểm này xa nơi dân cư sinh sống và đám cháy lan rộng nên gần 1 tiếng sau, người dân mới tiếp cận được hiện trường. Lúc này, người dân mới phát hiện cả 3 người trong một hầm đá hẹp ở khu vực đã bị cháy. Vụ cháy khiến bà Triệu Thị Huệ đã tử vong tại chỗ, còn chị Oanh bị thương do bỏng toàn thân, chị Thu bị bỏng nhẹ hơn. Ngay sau đó, người dân đã đưa chị Oanh và chị Thu đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng, chị Oanh đã tử vong, còn chị Thu đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
Cũng trong ngày 2-4, nhà ông Bàn Văn Nam, ở xóm Khe Cái, xã Vũ Chấn (Võ Nhai) đã bị ngọn lửa thiêu rụi hoàn toàn. Nguyên nhân được xác định là do ông Nam xử lý thực bì trồng rừng bằng lửa ở địa điểm gần nhà ở nên tàn lửa đã bén vào mái nhà sàn. Tuy vụ cháy không gây thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về tài sản ước tính hơn 100 triệu đồng. Ngoài 2 vụ việc xảy ra vào ngày 2-4 vừa qua, đầu năm 2016, một trường hợp ở La Hiên cũng bị tử vong do xử lý thực bì bằng lửa.
Ông Vũ Thế Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai cho biết: Hầu hết những trường hợp dùng lửa xử lý thực bì không đúng yêu cầu, quy trình thì rất dễ xảy ra cháy rừng, gây thiệt hại về tài sản và tính mạng con người. Vì vậy, hàng năm, Hạt Kiểm lâm đều ban hành kế hoạch phòng chống cháy rừng và mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, ý thức đối với người dân trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Riêng năm 2017, đơn vị đã mở 27 lớp tập huấn ở các xã, thị trấn, với hơn 1.400 lượt người tham gia... Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân chưa quan tâm nhiều đến vấn đề này nên đã xảy ra những vụ việc đáng tiếc như vừa qua...
Vụ trồng rừng mới đang đến, người dân ở nhiều nơi vẫn xử lý thực bì bằng lửa để giảm thời gian, công lao động nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng, gây thiệt hại tài sản tính mạng con người. Theo ông Vũ Thế Cường, dùng lửa để xử lý thực bì phải tuân thủ các yêu cầu, như: Báo cáo chính quyền địa phương để bố trí lực lượng, sẵn sàng chữa cháy; nên thực hiện vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối mát; phải phát băng cản lửa tối thiểu 20m quanh khu vực xử lý thực bì; không thực hiện khi thời tiết có gió to; người dân phải đứng ở phía dưới khu vực xử đốt xử lý thực bì...
Mặc dù, cơ quan chức năng huyện Võ Nhai chưa có kết luận cuối cùng về vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng ở xóm Làng Mười, xã Dân Tiến, nhưng qua thông tin ban đầu có thể cho thấy, người dân vẫn thiếu nhiều kỹ năng, kiến thức trong việc dùng lửa xử lý thực bì để trồng rừng. Vì vậy, trong thời gian tới, cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác truyền, tập huấn để nâng cao ý thức, kiến thức cho người dân về phòng cháy, chữa cháy rừng. Và đặc biệt, người dân không được chủ quan trong vấn dùng lửa để xử lý thực bì...