Trước năm 2013, hộ gia đình anh Hoàng Văn Giang (sinh năm 1980) và chị Lý Thị Sen (sinh năm 1983), ở xóm Khuôn Lân, xã Hợp Thành (Phú Lương) còn thuộc diện hộ nghèo. Nhưng với sự năng động, dám nghĩ dám làm, gia đình anh chị không chỉ thoát nghèo, mà còn vươn lên trở thành hộ khá giả nhất nhì xóm, với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Lấy nhau năm 2002, 4 năm sau hai con của anh chị lần lượt ra đời. Trước cuộc sống khó khăn, lúc đó anh chị luôn trăn trở về việc nuôi con gì, trồng cây gì để có thu nhập cải thiện cuộc sống. Tận dụng diện tích đất đai rộng gần 2000m2 của gia đình, anh chị Giang đã cải tạo để trồng chè. Sau vài năm, nhận thấy trồng chè cần nhiều công chăm sóc mà gia đình anh lại neo người nên anh chị đã đốn một nửa diện tích chè chuyển sang trồng keo.
Sau khi chuyển đổi sang trồng keo, có nhiều thời gian rảnh, anh Giang đã nghĩ đến việc đầu tư vào chăn nuôi. Qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhận thấy chăn nuôi dúi đơn giản mà cho thu nhập cao, nên năm 2008 anh quyết định đầu tư chuồng để nuôi. Lúc đầu, anh chỉ dám mua vài con về nuôi và gây giống, sau thấy hiệu quả kinh tế nên từ năm 2012 anh đã nhân rộng. Hiện nay, mỗi lứa (3 tháng/lứa), gia đình anh xuất bán trên 50 kg dúi thịt cho các nhà hàng trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, Nghệ An, Bắc Giang, với giá bán 350.000 đồng/kg, anh chị thu khoảng 20 triệu đồng/lứa. Nói về cách chăn nuôi dúi, anh Giang cho biết: Chăn nuôi dúi rất đơn giản (chỉ cần cho ăn 1 lần/ngày), không mất nhiều chi phí mà lợi nhuận thu được khá cao. Thức ăn của dúi lại đa dạng, phong phú, dễ kiếm, bao gồm các loại rau, củ, quả, dễ cây, mầm cây ngọt bùi, đắng chát... Hơn nữa, đây là loài động vật mới được thuần hóa, sức đề kháng cao nên không mất nhiều chi phí cho việc phòng, chữa bệnh. Gia đình luôn thiếu dúi để bán chứ không sợ không có đầu ra, bởi thịt chúng rất thơm ngon và là món đặc sản của nhiều nhà hàng.
Không chỉ bán dúi thịt, anh Giang còn gây dúi giống để bán cho người dân trên địa bàn xã để kiếm thêm thu nhập. Mỗi năm, từ việc bán dúi giống, gia đình anh chị cũng thu được 20 triệu đồng. Cùng với việc chăn nuôi, trồng trọt, với suy nghĩ “phi thương bất phú”, năm 2014, vợ chồng anh Giang đã mạnh dạn đầu tư gần 100 triệu đồng để mua ô tô tải để vừa vận chuyển vật nuôi của gia đình đi bán vừa chở thuê hàng hóa, nông sản cho bà con trong xóm. Bên cạnh đó, nhận thấy trên địa bàn xã có nhiều hộ chăn nuôi dê, lại sẵn có phương tiện, anh Giang đã tìm thị trường tiêu thụ và thu mua dê trong bà con để xuất bán cho các nhà hàng ở thị trấn Đu, T.P Thái Nguyên và các tỉnh ngoài như Bắc Kạn, Tuyên Quang. Trung bình mỗi tuần anh nhập bán 2 chuyến dê theo hợp đồng với các nhà hàng. Từ việc kinh doanh dê thịt, anh chị thu lãi gần 50 triệu đồng/năm.
Nhờ năng động, chịu khó, anh chị đã xây được ngôi nhà mái bằng khang trang, rộng rãi nhất nhì xóm thay thế ngôi nhà sàn cũ kĩ tạm bợ trước đây, trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã, với thu nhập trên dưới 200 triệu đồng mỗi năm. Ông Lương Hải Long, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hợp Thành cho biết: Gia đình anh Giang, chị Sen là hộ hội viên tiêu biểu trong phát triển kinh tế của xã. ngoài ra anh chị cũng tích cực tham gia hoạt động tham gia hoạt động của Hội, xóm, xã, giúp đỡ các hội viên khác phát triển kinh tế.