Những năm qua, bằng nhiều hoạt động thiết thực, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Khe Mo (Đồng Hỷ) không chỉ giúp nhiều hội viên có cuộc sống ổn định mà còn vươn lên làm giàu.
Chị Trương Thị Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Khe Mo cho biết: Với phụ nữ ở nông thôn, trở ngại lớn nhất trong phát triển kinh tế gia đình chính là thiếu vốn đầu tư cho sản xuất. Bởi vậy, để đồng hành cùng hội viên, chúng tôi đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội giúp hội viên được vay vốn mà không cần thế chấp tài sản.
Dưới sự “bảo trợ” của Hội Liên hiệp Phụ nữ, các thủ tục vay vốn được thực hiện nhanh chóng nên ngay sau khi hoàn tất hồ sơ là các ngân hàng giải ngân nguồn vốn vay. Nhờ đó, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã có vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Định mức được vay khá cao, lên đến 50 triệu đồng/hộ nên các chị có điều kiện đầu tư vào nhiều lĩnh vực để phát triển kinh tế gia định.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, 5 năm trở lại đây, mỗi năm, Hội đứng ra tín chấp với các ngân hàng giúp hàng trăm lượt hội viên được vay vốn. Đến nay, tổng dư nợ của toàn Hội trên 5 tỷ đồng, với 130 lượt hội viên được vay. Điều đáng nói là nhiều năm nay, nhờ có sự định hướng Hội Liên hiệp Phụ nữ xã và các chi hội nên hội viên phụ nữ đã sử dụng đồng vốn đúng mục đích. Các chị đã biết khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đầu tư trồng cây ăn quả, mua máy móc phục vụ sản xuất chè, chuyển đổi giống chè, chăn nuôi, mở rộng sản xuất kinh doanh các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống… Từ nguồn vốn được vay, nhiều hội viên đã ăn nên, làm ra và trở thành điển hình trong phát triển kinh tế gia đình ở địa phương. Đơn cử như chị Nông Thị Oanh, hội viên phụ nữ đang sinh hoạt tại Chi hội Phụ nữ xóm Ao Rôm 2. Trước đây, do thiếu vốn nên chị Oanh không có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh chè của gia đình. Tuy nhiên, sau khi được vay vốn, chị Oanh đã mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh chè búp khô của gia đình và làm ăn có lãi. Đến nay, không chỉ hoàn trả được vốn vay cho ngân hàng, chị Oanh còn tích lũy được một khoản tiền khá lớn để đầu tư trồng thêm gần 3ha cây ăn quả các loại. Năm 2017, thu nhập của gia đình chị đạt trên dưới 300 triệu đồng. Hay như chị Nguyễn Thị Thu Hiền, hội viên phụ nữ đang sinh hoạt tại Chi hội Phụ nữ Ao Rôm 1. Năm 2017, chị đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Chè Thu Hiền và vận động các hội viên phụ nữ cùng tham gia. Khởi đầu khá khó khăn nhưng do được Hội Phụ nữ xã đứng ra tín chấp giúp chị vay được vốn từ ngân hàng nên đến nay, hợp tác xã đang phát triển khá ổn định.
Cùng với việc đứng ra tín chấp giúp hội viên vay vốn ngân hàng, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã còn tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và Trạm khuyến nông của huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên. Trung bình, mỗi năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho trên 100 lượt hội viên tham gia. Chị Bùi Thị Thủy, hội viên đang sinh hoạt tại Chi hội Phụ nữ xóm Ao Rôm 3, xã Khe Mo nói: Qua các lớp tập huấn do Hội Phụ nữ xã tổ chức đã giúp chúng tôi nắm bắt được kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và sản xuất chè an toàn…
Luôn đồng hành với hội viên, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Khe Mo còn có hoạt động vô cùng thiết thực đó là rà soát, nắm địa chỉ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ; khảo sát, nắm bắt tình hình đời sống, việc làm của phụ nữ và nhu cầu của các đối tượng phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, Hội cùng các chi hội tiến hành phân loại hộ nghèo theo từng nguyên nhân để có các giải pháp tác động phù hợp, thiết thực với từng nhóm đối tượng, trong đó vừa chú trọng tuyên truyền, vận động phụ nữ phát huy nội lực, khắc phục tư tưởng an phận, trông chờ, ỷ lại, vừa vận động hội viên, phụ nữ phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau về vốn, ngày công lao động, khoa học kỹ thuật, bao tiêu đầu ra sản phẩm và kinh nghiệm để phát triển kinh tế gia đình… Đơn cử như việc giúp đỡ các hội viên nghèo ngày công lao động. Trong năm 2017, Hội đã vận động giúp đỡ các hội viên nghèo gặt lúa, hái chè… được khoảng 300 công lao động. Trong đó có những trường hợp đặc biệt khó khăn được giúp đỡ như chị Nguyễn Thị Tâm ở xóm Tiền Phong. Vợ chồng chị Tâm không có con cái, bản thân chị lại mắc bệnh tai biến mạch máu não nên sức khỏe rất yếu…
Có thể khẳng định, với nhiều cách làm sáng tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Khe Mo đã trở thành chỗ dựa vững chắc của phụ nữ trong phát triển kinh tế trên cơ sở phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, tương thân, tương ái.Từ đó đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, hội viên phụ nữ, giúp chị em từng bước nâng cao vị thế người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội...