Khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao

10:34, 14/05/2018

Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) là xu thế tất yếu trong thời kỳ hội nhập quốc tế để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Vì vậy, trong những năm qua, tỉnh ta đã tập trung nhiều giải pháp thu hút kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp CNC nhằm tăng khả năng cạnh tranh các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Với mong muốn mang đến những sản phẩm rau sạch, an toàn cho người tiêu dùng, năm 2015, anh Hồng Sỹ Hưng, ông chủ doanh nghiệp tư nhân Cao Bắc với những gara sửa chữa ô tô uy tín tại Thái Nguyên và Bắc Kạn bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực nông nghiệp CNC. Dự án xây dựng trang trại nông nghiệp sạch của anh tại xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) có quy mô 26ha. Trong đó, có 10ha trồng rau cải Nhật Bản, cà chua, ớt ngọt; cây dược liệu như Hà thủ ô, Đinh lăng theo đơn đặt hàng của Công ty CP Dược phẩm Traphaco; 7ha mặt nước để nuôi trồng thủy sản; còn lại là khu chế biến và sản xuất giống. Gần 5ha nhà màng để sản xuất rau của trang trại được xây dựng hệ thống tự động che nắng, che mưa, thông gió. Đặc biệt, trang trại đã ứng dụng những công nghệ mới nhất vào sản xuất như công nghệ tưới nước nhỏ giọt của Israel. Đây là kỹ thuật tưới cung cấp nước vào rễ cây dưới dạng các giọt nước nhỏ chảy ra chậm, giúp tiết kiệm 30-60% lượng nước và phân bón thông thường. Đến nay, một số sản phẩm của trang trại đã được thị trường đón nhận và đang có hướng xuất khẩu ra thị trường thế giới. Anh Hồng Sỹ Hưng, Phó Giám đốc trang trại chia sẻ: Mục tiêu của chúng tôi trong thời gian tới là tiếp tục mở rộng sang chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi mới có 14/26ha mặt bằng. Hiện vẫn còn 13 hộ dân sống trong vùng dự án. Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền tạo điều kiện, xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân để chúng tôi có mặt bằng làm khu điều hành, kho lạnh bảo quản rau, củ, quả.

Cùng chung ý tưởng giống anh Hưng, năm 2016, Hợp tác xã Nông nghiệp Trung Na, xã Tiên Hội (Đại Từ) được thành lập, với 11 xã viên, chuyên sản xuất, cung cấp rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Hợp tác xã đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để xây dựng 10.000m2 nhà kính, trang bị các máy móc hiện đại (máy xay đất, phun sương, máy tra hạt, hệ thống tưới nước nhỏ giọt) để sản xuất các loại rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Nguyễn Quang Nạp, thành viên hợp tác xã cho biết: Trung bình mỗi ngày, hợp tác xã thu hoạch được hơn 3 tạ rau ăn lá, thân. Sản xuất rau theo tiêu chuẩn an toàn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình từ khâu chăm sóc, thu hoạch, bảo quản nhưng người dân vẫn còn hoài nghi, chưa tin tưởng. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn chính quyền địa phương và các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc sử dụng các sản phẩm nông sản an toàn. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, đơn vị, hợp tác xã tiến hành liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài 2 đơn vị nói trên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ta cũng đã có một số doanh nghiệp khác đầu tư lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC, như: Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia (Đại Từ) chuyên sản xuất nấm các loại; sản xuất lúa theo hướng hữu cơ của Công ty TNHH Một Thành Viên Quế Lâm Phương Bắc tại huyện Phú Bình… Tuy nhiên, nếu xét về tổng thể thì trên đây mới chỉ là một vài mô hình điểm, chưa có sức lan tỏa mạnh mẽ. Tỉnh ta có thế mạnh về phát triển sản xuất nông nghiệp với những sản phẩm chủ lực như: chè, lúa, rau, cây ăn quả và các sản phẩm chăn nuôi như lợn, gà, cá... Bên cạnh đó, tỉnh còn có lợi thế về vị trí địa lý, tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, có tuyến Quốc lộ 3 chạy qua; là nơi tập trung nhiều cơ sở đào tạo, trường đại học, nhà máy, xí nghiệp, nơi tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp với số lượng lớn. Tuy nhiên, nền nông nghiệp của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Phương thức sản xuất của người nông dân vẫn theo phương pháp truyền thống, nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, năng suất, giá trị các sản phẩm chủ lực chưa cao. Ngoài ra, chất lượng nông sản, sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao, sản xuất chưa gắn kết chặt chẽ với chế biến, tiêu thụ...

Trước thực trạng trên, để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao đời sống của người dân, tỉnh đã chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; chủ động rà soát, xác định lợi thế, thế mạnh sản phẩm nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp CNC. Cụ thể, theo Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017-2020, có những điểm nhấn để tạo sự quan tâm của các nhà đầu tư như: ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật vùng nông nghiệp ứng dụng CNC; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực ứng dụng CNC; hỗ trợ giá giống cây trồng và vật nuôi là thủy sản; hỗ trợ chứng nhận sản phẩm nông sản an toàn; hỗ trợ mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, thời gian qua, một số doanh nghiệp trong nước cũng đã đến và tìm hiểu cơ hội đầu tư lĩnh vực nông nghiệp CNC. Đối với các doanh nghiệp tâm huyết đầu tư vào lĩnh vực này, Sở luôn hỗ trợ nhiệt tình. Đồng thời, quan tâm, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển sản xuất nông nghiệp một cách bền vững theo chuỗi liên kết.

Có thể thấy, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp CNC là yếu tố quan trọng để hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, sản phẩm đạt chất lượng cao. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh cần đẩy mạnh quá trình tích tụ ruộng đất phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực cho phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn theo đặc thù sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, cần quan tâm tháo gỡ những nút thắt về chính sách đất đai, hạ tầng, tín dụng... đặc biệt là đầu ra cho sản phẩm.