Tân Hòa nỗ lực vượt khó

08:43, 12/05/2018

Tân Hòa là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Phú Bình, tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức cao so với các địa phương khác trong huyện (năm 2016 chiếm tới trên 25%). Những năm gần đây, nhờ việc triển khai đồng bộ và thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế, cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân, diện mạo miền quê này đã có nhiều khởi sắc.

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết: Tổng diện tích đất tự nhiên của xã rộng trên 2.000ha nhưng đa phần là đồi núi, đất đai không bằng phẳng. Xã có trên 2.200 hộ dân với trên 9.400 nhân khẩu thì khoảng 40% là người dân tộc thiểu số. Dân cư phân bố không tập trung, trình độ dân trí không đồng đều… là một trong những nguyên nhân khiến cái nghèo đeo bám cuộc sống người dân nơi đây. Nhằm nâng cao đời sống người dân, những năm qua, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các mô hình mới, nguồn vốn vay từ các ngân hàng; triển khai các chương trình, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người nghèo, vùng khó khăn.

Xác định việc nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng, xã Tân Hòa đẩy mạnh các chương trình, phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức các lớp tập huấn, tư vấn chọn giống cây, vật nuôi phù hợp với lợi thế của địa phương và có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao; hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh trên cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Nhờ đó, nhiều hộ dân đã có thêm kiến thức, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Đến nay, toàn xã có 12 trang trại và 46 gia trại; đàn trâu, bò duy trì ổn định trên 1.600 con; đàn lợn trên 8.700 con; đàn gia cầm trên 50.000 con; diện tích cây ăn quả được mở rộng lên 6ha… Chị Nguyễn Thị Liên, ở xóm Ngò cho biết: Với 2ha vườn đồi, tôi trồng gần 3.000 gốc cây ăn quả gồm bưởi, chanh đào, ổi, cam, đu đủ; 20 gốc sắn dây; chăn nuôi gà thả đồi 1.000 con/lứa, đào ao thả cá, nuôi cá giống… Lứa đầu thu hoạch từ sắn dây, chanh, ổi, cá, gà, gia đình tôi thu về trên 100 triệu đồng. Dự kiến trong vài năm tới, nguồn thu của gia đình sẽ tăng lên đáng kể khi các cây, con tiếp tục được chăm sóc tốt và cho thu hoạch ổn định…

Với đặc điểm đất đai chủ yếu là đồi núi, người dân trong xã được khuyến khích trồng các giống keo cao sản, được cung cấp cây giống chất lượng và trang bị kiến thức, kỹ thuật chăm sóc… Trung bình mỗi năm, người dân trồng mới được trên 60ha keo, đến nay tổng diện tích rừng trồng trong toàn xã là 800ha. Để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, xã khuyến khích, tạo điều kiện cho các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển. Hiện toàn xã có  20 xưởng sản xuất đồ gỗ và 5 xưởng bóc ván gỗ, góp phần tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Ngoài ra, để người dân có thu nhập ổn định, công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cũng được xã quan tâm. Năm 2017, qua các chương trình liên kết giới thiệu việc làm, trên 200 người dân có việc làm mới tại các công ty, doanh nghiệp, đi lao động ở nước ngoài.

Song song với việc phát triển kinh tế, xã cũng chú trọng đến việc hoàn thiện hạ tầng nông thôn, vận động người dân hiến đất, đóng góp công sức và kinh phí để thi công. Năm 2017, cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước, xã đã vận động người dân hiến trên 6.000m2, đóng góp trên 4 tỷ đồng để thi công trên 7km đường giao thông, sửa chữa một số tuyến kênh mương. Hiện nay, 77% đường liên xã, 67% đường trục xóm đã được cứng hóa; đường ngõ xóm nội đồng cơ bản được gia cố đảm bảo không lầy lội vào mùa mưa… Đường sá được đảm bảo đã góp phần thúc đẩy các hoạt động giao thương, buôn bán tại địa phương. Anh Phạm Văn Duyệt, người dân xóm Trại Giữa chia sẻ: Các tuyến đường làng, ngõ xóm không còn lầy lội vào mùa mưa, xe ô tô vào tận nơi thu mua, giá bán ổn định giúp người dân chúng tôi yên tâm sản xuất. Sắp tới, xóm chúng tôi sẽ làm thêm 1km đường trục và nội đồng, đợi được phân bổ xi măng là chúng tôi đóng góp tiền và khởi công xây dựng ngay.

Với sự nỗ lực, quyết tâm cao của chính quyền và người dân trong xã, hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 16,97%; thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/người/năm (tăng 5 triệu so với năm 2016). Mặc dù so với địa phương khác, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn khá cao song nếu so sánh với vài năm trước thì nay đời sống người dân đã cơ bản khá hơn trước rất nhiều. Ông Nguyễn Văn Nam cho biết thêm: Những năm tới, xã sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng lợi thế vốn có, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời, tranh thủ mọi nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phấn đấu đưa xã cán đích nông thôn mới vào năm 2019.