Hình thành chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế tập thể

08:13, 24/07/2018

Đó là một trong những bài học kinh nghiệm được Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Thái Nguyên rút ra từ chuyến tham quan thực tế tại tỉnh Hải Dương được tổ chức mới đây. Tham gia Đoàn có trên 100 cán bộ chuyên môn làm công tác quản lý về kinh tế tập thể và đại diện các HTX tiêu biểu trên địa bàn tỉnh ta. Tại những nơi đến tham quan, Đoàn đã được chia sẻ nhiều kinh nghiệm về phát triển HTX, đặc biệt là việc hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...

Địa điểm đầu tiên Đoàn đến thăm là mô hình chăn nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao của Israel tại HTX Sản xuất và thương mại thủy sản Xuyên Việt (HTX Xuyên Việt), ở xã Hồng Hưng, huyện Gia Lộc (Hải Dương). Trao đổi với Đoàn, anh Lê Văn Việt, Giám đốc HTX cho biết: Tôi đã đi nhiều nơi để học hỏi về mô hình chăn nuôi thủy sản, cả ở trong nước và một số vùng nuôi cá nổi tiếng tại Trung Quốc. Trong đó, hệ thống ao nổi theo công nghệ của Israel là mô hình tôi tâm đắc nhất.

Theo chia sẻ của anh Việt, công nghệ của Israel cũng tương tự như nuôi cá lồng trên sông ở nước ta. Điểm khác biệt là công nghệ này cần áp dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật để tạo ra một dòng sông thu nhỏ trong ao và có đầy đủ các yếu tố của một dòng sông lớn ngoài tự nhiên (như: Bọt khí, sóng nước, dòng chảy liên tục, không có cặn bẩn...). Bờ ao được xây cao từ 1,5-2m, mực nước trong ao sâu từ 1,8-2m (với cá thương phẩm) và từ 1,3-1,6m (với cá giống). Thêm vào đó, ao nổi đòi hỏi rất khoa học về hướng cho ăn và hướng trú ngụ của cá, cụ thể hướng cho cá ăn là hướng Đông Nam, còn hướng trú ngụ của cá là hướng Tây Bắc cần được đào sâu hơn để cá sinh trưởng, phát triển (mùa hè trú nắng, mùa đông tránh rét). Bề mặt nước rộng, thoáng sẽ giúp nguồn nước giàu ôxi, sạch sẽ, ít dịch bệnh và giảm thất thoát thức ăn. Nguyên lý “bình thông nhau” giữa các ao giúp việc điều chỉnh lưu lượng nước dễ dàng hơn, thu hoạch thuận tiện, cải tạo đơn giản.

\Trên cơ sở áp dụng thành công mô hình, nhằm mở rộng sản xuất, năm 2011, anh Lê Văn Việt đã liên kết với 1 số hộ dân trong vùng để hình thành HTX Xuyên Việt. Anh Việt cho hay: Chúng tôi đã liên kết lại và cùng nhau thay đổi tư duy làm ăn, chuyên nghiệp, sáng tạo hơn. HTX đã thực hiện cung ứng dịch vụ đầu vào và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các thành viên, xây dựng chuỗi giá trị từ giống, thức ăn chăn nuôi đến thị trường tiêu thụ. Với diện tích lớn, sản lượng tăng lên, chúng tôi có thể tiếp cận và đáp ứng những đơn hàng lớn hơn, sản phẩm cung cấp cũng đa dạng hơn… Bằng cách làm đột phá, từ sau khởi nghiệp đến nay, Xuyên Việt đã mở rộng được diện tích ao nuôi trồng thuỷ sản lên 106ha với 22 thành viên. Mỗi năm, HTX sản xuất và cung ứng ra thị trường trên 1.400 tấn cá thương phẩm và 30 triệu con cá giống các loại. Doanh thu trung bình đạt 50 tỷ đồng/năm. Hiện tại, HTX Xuyên Việt đã kết nối được với rất nhiều đầu mối bao tiêu cá giống và cá thương phẩm trên toàn quốc, sản phẩm làm ra từ HTX đều được tiêu thụ hết.

Ngoài HTX Xuyên Việt, toàn tỉnh Hải Dương còn trên 20 HTX nuôi trồng thủy sản được hình thành trên cơ sở khai thác, tận dụng thế mạnh về đất đai, khí hậu của địa phương. Tại tỉnh ta, tiềm năng về thủy sản cũng không thua kém với trên 6.000ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, số lượng HTX thủy sản còn ít và phần lớn vẫn là nuôi trồng theo quy mô nhỏ, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và chưa có đầu ra ổn định. Là một trong những thành viên tham gia Đoàn công tác, bà Trịnh Việt Hà, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ chia sẻ: Sau khi tham quan mô hình tại HTX Xuyên Việt tôi cảm thấy rất tâm đắc. Tôi cho rằng Thái Nguyên nói chung và huyện Đại Từ nói riêng hoàn toàn có khả năng thực hiện được những mô hình như vậy. Sau đây, khi trở về địa phương tôi sẽ giới thiệu lại với bà con và cùng với các cán bộ chuyên môn tiếp tục nghiên cứu và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân có nhu cầu và quyết tâm thực hiện.

Rời HTX Xuyên Việt, Đoàn công tác đến HTX Nông nghiệp sạch Nam Vũ, ở xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà. Đây là một trong những HTX đã hình thành được chuỗi giá trị tại Hải Dương. Với 10 hộ dân tham gia liên kết trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX đã thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với một số siêu thị lớn. Được biết, từ đầu năm đến nay, HTX đã cung cấp hơn 10 tấn ổi an toàn cho hệ thống siêu thị, cửa hàng của Tập đoàn Vingroup. Theo lãnh đạo HTX, bí quyết để HTX có đầu ra ổn định chính là đảm bảo chất lượng sản phẩm và phải chứng minh được điều đó. Theo đó, ổi trồng theo quy trình VietGAP cho chất lượng cao, năng suất hơn hẳn. Khi tuân thủ nghiêm ngặt và áp dụng đúng kỹ thuật trong trồng và chăm sóc, quả ổi sẽ có mẫu mã đẹp, giá cao hơn, đầu ra cũng thuận lợi hơn. Nhìn những vườn ổi xanh hút mắt, nằm san sát nhau, chúng tôi liên tưởng ngay đến những vườn ổi ở xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên). Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, những năm gần đây, diện tích ổi Linh Sơn đã tăng lên nhanh chóng, từ 3ha (năm 2004) đến nay đã phát triển lên hơn 50ha. Tuy vậy, cũng giống như nuôi trồng thủy sản, sản phẩm ổi Linh Sơn mặc dù được biết tới với hương vị thơm, ngọt đặc trưng song vẫn chưa hình thành được chuỗi giá trị. Được biết, phần lớn bà con ở Linh Sơn vẫn chăm sóc theo kinh nghiệm là chính chứ chưa áp dụng quy trình VietGAP cũng như chưa thành lập được HTX để thực hiện các khâu dịch vụ đầu vào cũng như tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Do vậy, đây sẽ là một trải nghiệm hay để giúp các cán bộ hướng dẫn bà con áp dụng thực hiện tại địa phương.

Ông Lê Huy Nhỡn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên cho biết: Sở dĩ chúng tôi chọn Hải Dương làm điểm đến cho chuyến công tác bởi đây là địa phương có nhiều đặc điểm tương đồng về khí hậu, thổ nhưỡng với Thái Nguyên. Đặc biệt, ở đây đã có nhiều mô hình HTX hình thành được chuỗi giá trị. Qua đây, Liên minh HTX tỉnh muốn chứng minh cho bà con thấy rằng chúng ta hoàn toàn có thể có được những mô hình HTX kiểu mới hiệu quả nếu có sự đầu tư và quyết tâm thực hiện, đồng thời mong muốn chính quyền, cán bộ chuyên môn các địa phương tiếp tục hỗ trợ người dân, khuyến khích hình thành các mô hình kinh tế tập thể trên cơ sở khai thác thế mạnh sẵn có của địa phương, có sự đầu tư bài bản và hướng tới sản xuất theo công nghệ cao, quy mô lớn…