Quan tâm phát triển làng nghề

10:00, 28/07/2018

Hiện trên địa bàn T.P Thái Nguyên có 40 làng nghề, làng nghề truyền thống thuộc 6 xã đã được công nhận, trong đó có 37 làng nghề chè truyền thống, 1 làng nghề hoa đào, 1 làng nghề bún bánh, 1 làng nghề sinh vật cảnh. Thành phố đang tiếp tục chỉ đạo nhằm tiếp tục khuyến khích các địa phương phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống.

Ông Mã Quốc Hùng, Trưởng phòng Kinh tế T.P Thái Nguyên cho biết: Để có được kết quả trong phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn, trong những năm qua thành phố luôn khuyến khích, hỗ trợ các làng nghề, làng nghề truyền thống phát triển bằng những việc làm cụ thể, như: triển khai nhân rộng mô hình làng nghề điểm; tổ chức công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống; phối hợp với các ngành chức năng thực hiện hiệu quả công tác khuyến công, triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề…Chỉ tính riêng từ nguồn vốn khuyến công, trong năm 2016, thành phố đã hỗ trợ 150 triệu đồng cho Hợp tác xã Chè Tân Cương - Phúc Linh, xã Tân Cương đầu tư máy đóng gói hút chân không, máy sao chè bằng ga, tủ sấy hương; năm 2017, hỗ trợ cho hộ kinh doanh Dương Thị Thúy thuộc làng nghề xóm Chợ, xã Phúc Trìu trong đầu tư máy sao chè bằng ga và máy hút chân không với số tiền 100 triệu đồng.

Bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị cho các hộ sản xuất, chế biến chè nhiều hộ trong làng nghề chè truyền thống còn được hỗ trợ  hệ thống giàn tưới phun mưa tự động cho chè; tập huấn khoa học kỹ thuật trồng chè theo tiêu chuẩn VietGap; đăng ký thương hiệu, bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, hỗ trợ bao bì, nhãn mác, tờ rơi…Ông Đỗ Văn Đoàn, một hội viên Làng nghề chè truyền thống Hồng Thái 1 chia sẻ: “Nhờ được hỗ trợ trong khâu sản xuất chè cũng như tiêu thụ mà sản lượng và giá thành sản phẩm tăng so với trước kia từ 2 đến 3 lần”.

Thực tế cho thấy, từ việc hỗ trợ các làng nghề, làng nghề truyền thống trong sản xuất, kinh doanh đã giúp hội viên nhiều làng nghề có thu nhập khá ổn định. Đơn cử Làng nghề chè truyền thống Hồng Thái 1 có 157 hộ tham gia, hiện thu nhập bình quân của 1 lao động trong làng nghề đạt khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Cũng theo thống kê sơ bộ của Phòng Kinh tế T.P Thái Nguyên, hiện mức thu nhập bình quân một nhân khẩu tại các làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố đạt khoảng 50 triệu đồng/người/năm.

Điều đáng chú ý, ngoài hoạt động sản xuất tại các làng nghề, việc gắn sản xuất với bảo vệ môi trường được nhiều làng nghề chú trọng thực hiện. Làng nghề, làng nghề truyền thống đã xây dựng phương án bảo vệ môi trường và được UBND T.P Thái Nguyên phê duyệt trước khi thực hiện; hệ thống thu gom nước thải, nước mưa được đầu tư đảm bảo nhu cầu tiêu thoát nước, không để xảy ra hiện tượng tắc nghẽn, tù đọng nước thải và ngập úng. Đặc biệt mỗi làng nghề đều có điểm tập kết chất thải rắn hợp vệ sinh.

Bà Vũ Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên cho biết: Để nâng cao chất lượng hoạt động tại các làng nghề, làng nghề truyền thống và khuyến khích các địa phương phát triển làng nghề, hiện nay thành phố đang tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn và làng nghề, gắn phát triển làng nghề với xây dựng nông thôn mới; tổ chức Đề án hỗ trợ, nhân rộng mô hình làng nghề điểm tại các địa phương; tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao chất lượng quản lý làng nghề; chỉ đạo và hướng dẫn các làng nghề ổn định cơ cấu tổ chức và nhân sự Ban quản lý, hướng dẫn xây dựng và hoạt động làng nghề theo cơ chế. Bên cạnh đó, để các làng nghề phát triển, thành phố cũng khuyến khích các chủ cơ sở tập trung chiều sâu cho công nghiệp chế biến, cải tiến quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo hợp vệ sinh an toàn thực phẩm tạo niềm tin đối với khách hàng để khẳng định thương hiệu trên thị trường. Đi đôi với phát triển làng nghề thành phố cũng chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn vận động các làng nghề giữ gìn môi trường làng nghề chung, định hướng phát triển sản xuất gắn với du lịch cộng đồng và du lịch làng nghề.