Chỉ học hết lớp 5, không được đào tạo qua bất kỳ trường lớp nào, song, lão nông Phạm Trung Tuyến, ở xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) đã mày mò, chế tạo ra chiếc máy vò chè độc đáo, thu về hàng tỷ đồng mỗi năm. Sản phẩm của ông không những được khách hàng trong, ngoài tỉnh tin tưởng đặt mua mà còn được xuất khẩu sang nước bạn Lào.
Một buổi chiều trung tuần tháng Bảy, ông Tuyến nhận được cuộc điện thoại của khách đặt mua máy vò chè từ tận Lâm Đồng. Chỉ trong vài câu giao dịch ngắn gọn, ngay sau đó, người khách này chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của ông để chờ nhận máy. Theo hẹn, khoảng 1-2 tuần, máy sẽ được chuyển đến tận tay khách. Những cuộc giao dịch như vậy đến với ông Tuyến ngày càng nhiều, thậm chí có khi ông còn sản xuất không kịp để phục vụ khách hàng. Tôi ngạc nhiên hỏi, tại sao có nhiều người chưa từng tận mắt chứng kiến sản phẩm của ông mà vẫn tin tưởng đặt tiền mua. Ông Tuyến cười giản dị: “Đều là nhà nông, nên tôi hiểu công cụ sản xuất quyết định rất nhiều đến năng suất và hiệu quả kinh tế. Khi có người cần giúp đỡ thì tôi cố hết sức làm thôi. Quan trọng là mình trách nhiệm với sản phẩm làm ra”.
Câu chuyện về chiếc máy vò chè “có một không hai” của ông bắt đầu cách đây hơn 20 năm. Lập nghiệp từ cây chè, ông cũng như bao người con Tân Cương - nơi được mệnh danh Đệ nhất danh trà đều hiểu sự khó khăn, vất vả với nghề truyền thống của quê hương. Khi ấy, phương tiện sản xuất còn thô sơ, các khâu chế biến như hái, vò, sao, sấy chè đều thực hiện thủ công dẫn đến năng suất, chất lượng thấp. Mãi sau này, khi áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, người dân mới biết đến các công cụ hỗ trợ như tôn quay, máy vò. Nhưng điểm hạn chế của các phương tiện đó là khó sử dụng và không đáp ứng được yêu cầu của sản phẩm. Vì vậy, ông luôn nghĩ cách cải tiến, chế tạo ra những máy móc phù hợp.
Năm 1997, ông hạ quyết tâm nghiên cứu, sáng chế ra một chiếc máy vò chè tiện ích, phù hợp để phục vụ bà con trong vùng. Bằng trí tưởng tượng của mình, ông bắt tay vào phác thảo ra những chi tiết đầu tiên của máy. “Khi bản vẽ mới hoàn thành, tôi hứng thú mang đi tham khảo các thầy cô giáo, kỹ sư ở một số nơi thì chỉ nhận được những cái cười nhạt. Họ bảo chưa nhìn thấy mẫu hình lạ như thế này bao giờ. Lúc về nhà tôi buồn lắm nhưng vẫn đau đáu phải làm bằng được”.
Không bỏ cuộc, ông tự mày mò vừa học vừa làm. Vì không biết cơ chế hoạt động của máy móc thế nào, ông nảy ra ý tưởng sang xưởng tiện ở gần nhà xem cách máy móc hoạt động thế nào để về cải biên cho phù hợp. Sự kiên trì không phụ lòng người, sau bao ngày nỗ lực, ông đã cho ra đời chiếc máy vò chè đầu tiên của mình vào cuối năm 1997. Mới chỉ đi vào thử nghiệm trong gia đình nhưng sản phẩm của ông đã thể hiện được những ưu thế đặc biệt. Các hộ dân trong vùng thấy được tiện ích của chiếc máy vò chè độc đáo này liền tìm đến đặt ông chế tạo giúp ngày càng nhiều.
Chiếc máy vò chè đầu tiên của ông Tuyến được làm 100% bằng gỗ, sau này ông cải tiến bằng sắt cho phù hợp. Có nhiều hộ gia đình hiện nay vẫn còn chiếc máy gỗ đời đầu và sử dụng tốt. Qua nhiều năm, sản phẩm do ông sáng chế càng được hoàn thiện hơn. Máy vò chè của ông hiện nay có cấu tạo gồm một mô tơ điện và một cối vò, kích thước rộng 63cm, cao 55cm, cân nặng dao động từ 60-63kg. Máy có thể vò được 30kg chè tươi trong thời gian một giờ, thay thế cho 4-5 người lao động thủ công. Không chỉ sáng chế ra máy vò chè, ông được bà con phong là “kỹ sư chân đất” bởi còn tự chế ra nhiều loại máy móc khác, như xe 3 bánh, xà lam dùng trong sửa chữa ô tô xe máy, máy tời, máy băng, nan hoa cửa…
Những tháng ngày vật lộn với việc sáng chế máy móc cũng khiến dân làng gọi ông là “kẻ làm liều”. Nhưng theo ông Tuyến, trong cuộc sống nếu không có một chút “liều” thì sẽ khó tạo ra đột phá. Chỉ có điều với những người không được học hành bài bản như ông, muốn đến đích sẽ phải trải qua một quá trình gian nan, vất vả hơn, thậm chí còn phải lĩnh hậu quả. Minh chứng cho câu nói đó, ông ngậm ngùi: “Năm 1998, tai nạn đã ập đến với tôi, lúc đó tôi đang tiện chiếc con lăn bằng gỗ thì bất ngờ mảnh vỡ sắc nhọn văng khỏi trục, cắm vào bên mắt trái và bị hỏng vĩnh viễn”. Sau những giây phút đau khổ đó, ông đã vượt lên tất cả để đứng dậy mạnh mẽ. Trở lại với công việc, ông tiến hành mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc, thuê thêm người làm… Dần dần, ông bỏ hẳn nghề làm chè và tập trung sản xuất máy. Đến nay, ông đã gây dựng được tên tuổi của mình trên thị trường. Một ngày, cơ sở của ông có thể sản xuất ra 2 chiếc máy. Trung bình mỗi năm, ông bán được trên 500 chiếc cho khách hàng từ khắp các tỉnh thành trong cả nước và còn xuất khẩu sang Lào. Với giá bán một chiếc máy dao động khoảng 4,2 – 4,4 triệu đồng, mỗi năm ông thu về tiền lãi trên 1 tỷ đồng.
“Làm nghề nào cũng vậy, cái chính là cần phải có đam mê, phải yêu và say mê với thứ mình tạo ra thì mới thành công. Có nhiều người từng theo tôi làm nhưng đều bỏ cuộc vì không chịu nổi áp lực, trong đó có cả con trai tôi. Tôi vẫn thường khuyên mọi người, nếu thực sự đam mê thì hãy theo học vì công việc là cái gắn bó suốt đời. Đôi lúc nghề nghiệp có thể vận vào người theo đuổi nó”, ông nói.