Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng đầu tư thiết bị chế biến, bảo quản chè; xây dựng thương hiệu sản phẩm chè, tạo uy tín bằng chất lượng cao, ổn định là cách làm mà gia đình chị Tống Thị Xuyến, ở xóm Trung Thành 2, xã Vô Tranh (Phú Lương) đã thực hiện để xây dựng thành công thương hiệu chè Hoan Xuyến, một trong 85 sản phẩm vừa đạt "Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam" năm 2018.
Đến tham quan nương chè của gia đình chị Xuyến, chúng tôi được ngắm nhìn những luống chè quanh co, uốn lượn bên sườn đồi trông thật thích mắt. Dưới nắng vàng, búp chè mọc tua tủa, đặc biệt là không khí rất trong lành, dễ chịu, không có mùi thuốc bảo vệ thực vật.
Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Xuyến chia sẻ: Trước đây, bà con chúng tôi làm chè mới chỉ quan tâm tới việc nâng cao năng suất, chất lượng chứ chưa chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm. Chè làm ra đến đâu mang ra các chợ bán đến đó, giá cả tùy thuộc vào thương lái thu mua. Dần dà, bà con trong xóm đã chuyển đổi từ giống chè trung du sang chè cành cho năng suất cao. Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, chúng tôi áp dụng các biện pháp sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và người tiêu dùng. Điều đáng nói là quy trình sản xuất chè an toàn không chỉ một, hai hộ thực hiện mà đa số người dân trong xóm đều ý thức tự giác sản xuất chè theo tiêu chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc thâm canh và chuyển đổi cơ cấu giống chè trong những năm qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng giá trị sản phẩm.
Được biết, năm 2017, chị Xuyến bắt đầu xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm chè của gia đình. Chị lặn lội đến một số tỉnh thành như Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình... để tìm hiểu nhu cầu thực tế, giới thiệu sản phẩm và xây dựng các đại lý. Sau đó, chị về nghiên cứu các dòng sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng và tìm mẫu mã bao bì cho từng loại sản phẩm. Dần dà, sản phẩm chè với thương hiệu Hoan Xuyến bắt đầu có mặt tại các cửa hàng ở một số tỉnh, thành trong nước. Từ chỗ đầu ra bấp bênh, đến nay, gia đình chị Xuyến đã có các đại lý đặt hàng ổn định. Hiện nay, gia đình chị có 5 dòng sản phẩm chè xanh, mỗi loại đều có bao bì riêng, có mã vạch riêng và dán tem truy xuất nguồn gốc, điều mà ít hộ dân trên địa bàn tỉnh làm được. Trung bình mỗi năm, nhà chị Xuyến sản xuất, tiêu thụ trên 5 tấn chè búp khô, với giá bán dao động từ 200.000-700.000 đồng/kg.
Mặc dù thương hiệu chè Hoan Xuyến đã được nhiều người biết đến nhưng chị Xuyến vẫn luôn tâm niệm, xây dựng thương hiệu đã khó, giữ càng khó hơn, Vì vậy, chị luôn giữ uy tín với khách hàng bằng chất lượng sản phẩm. Quy trình sản xuất an toàn yêu cầu từ các khâu chăm sóc, thu hái, chế biến, đóng gói, dụng cụ thu hái, bảo quản; các thiết bị chế biến phải đồng bộ, được vệ sinh sạch sẽ. Khu chế biến chè của gia đình chị thường xuyên được quét dọn ngăn nắp, có biển nội quy rõ ràng, có cửa ngăn các loại gia súc, gia cầm vào khu chế biến. Chị Xuyến tâm sự: Để xây dựng thương hiệu đòi hỏi quá trình lâu dài và có sự quan tâm, hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước. Vậy nên tôi luôn coi trọng, bảo vệ thương hiệu sản phẩm của mình, luôn tìm giải pháp đưa thương hiệu của mình khẳng định được trên thị trường trong quá trình hội nhập.
Nói về những dự định trong thời gian tới, chị Xuyến cho biết: Chúng tôi sẽ vận động bà con hướng tới sản xuất chè theo hướng hữu cơ để giữ gìn môi trường và cung cấp cho thị trường những sản phẩm an toàn, góp phần phát triển bền vững.