Ba Nhất là một xóm đặc biệt khó khăn của xã Phú Thượng (Võ Nhai). Với 210 hộ, 900 nhân khẩu, trên 90% là người dân tộc Dao, xóm nằm trong diện được nhà nước hỗ trợ theo Chương trình 135 đến năm 2016. Trong vài năm trở lại đây, được sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân đã giúp diện mạo nơi đây có nhiều đổi thay rõ rệt.
Xóm Ba Nhất nằm cách trung tâm huyện Võ Nhai chừng 12km, trong đó có gần 8km đường liên thôn, 4km đường liên xã. 5 năm trở về, trước con đường đi vào xóm chỉ rộng khoảng 1,5m nên ô tô chưa thể vào được xóm. Đến năm 2013, nhân dân trong xóm huy động sức người, sức của, hiến đất để mở rộng con đường lên hơn 2m thì từ đó đến nay, hình ảnh những chiếc ô tô mới bắt đầu xuất hiện ở xóm và nhờ đó hương lái mới vào tận trong xóm để thu mua nông sản cho bà con. Nhưng vào mùa mưa, đường lầy lội, ô tô cũng không thể đi lại, còn xe máy thì phải là những người thật chắc tay mới có thể di chuyển được trên đường đầy bùn đất. Người dân ở Ba Nhất thường có câu nói vui khi di chuyển ra thị trấn vào trời mưa đó là xe không cần chân chống mà vẫn không đổ, bởi đã có bùn đất "chống" hộ.
Bà Lý Thị Dung, người dân trong xóm cho biết: Cách đây 5 năm, Ba Nhất vẫn còn là một trong những xóm khó khăn nhất của xã Phú Thượng, do chưa có đường giao thông đủ rộng để thương lái đưa ô tô vào thu mua nông sản. Còn nhớ, có những đợt, đàn lợn của nhà đến ngày xuất chuồng nhưng không thể đem đi bán được nên phải nuôi thêm 2 tháng nữa, khiến giá lợn có cao đến mấy cũng không có lãi. Cũng vì đường đất khó khăn mà bà con trong xóm thường xuyên bị thương lái ép giá…
Vẫn biết trở ngại lớn nhất trong phát triển kinh tế của xóm chính là giao thông, nhưng do đời sống kinh tế của người dân còn nghèo nên cũng chỉ huy động nhân dân hiến đất ủng hộ mở rộng đường, chứ không có điều kiện để làm cho con đường đỡ lầy lội được nên chỉ còn biết trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đến năm 2015, khó khăn của bàn con đã dần được tháo gỡ, khi xóm được đầu tư bê tông toàn bộ gần 8km đường liên xóm và hoàn thành 2,1km đường liên xã đi qua xóm. Ông Triệu Long Đường, Bí thư Chi bộ xóm Ba Nhất cho biết: Được Nhà nước làm đường, bà con trong xóm vô cùng phấn khởi nên đã tích cực đóng góp 1.820m² đất và 750 ngày công lao động để san lấp, giải phóng mặt bằng. Giờ thì các phương tiện giao thông đã có thể lưu thông dễ dàng. Giao thương buôn bán của bà con cũng trở nên thuận lợi, vì thế kinh tế của người dân cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo theo đó cũng giảm xuống.
Cũng nhờ có đường bê tông mà 100% trẻ em trong xóm đều đến trường, không còn học sinh bỏ học do đi lại khó khăn. Bên cạnh đầu tư vào giao thông, xóm còn được nhà nước hỗ trợ xây dựng, nâng cấp 5 đập trữ nước, bê tông hóa trên 2km kênh mương, nhờ đó 40ha lúa của bà con (chiếm trên 70% diện tích canh tác của xóm) đã được chủ động về nguồn nước; bà con yên tâm đầu tư vào trồng cấy. Nếu 5 năm trước đây, Ba Nhất vẫn còn không ít hộ đói vào những ngày giáp hạt, với năng suất lúa chỉ đạt 1,5-1,8 tạ/sào và hệ số sử dụng đất của người dân cũng rất thấp thì nay, nhờ được tiếp cận với các phương pháp thâm canh, tăng vụ, đưa giống lúa mới vào sản xuất nên năng suất lúa đã đạt trên 2 tạ/sào. Ngoài 2 vụ lúa, bà con còn trồng thêm ngô và các cây ràu màu khác nên 100% hộ dân không còn thiếu đói. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân còn mạnh dạn đầu tư máy cày mini để phục vụ cho việc làm đất.
Bên cạnh đầu tư, mở rộng vào sản xuất nông nghiệp, các hộ dân cũng chú trọng hơn đến việc trồng rừng, với tổng diện tích hiện có là 680ha, trong đó trên 100ha rừng sản xuất chuẩn bị cho khai thác. Cùng với đó, chè cũng đang là nguồn thu chủ yếu của nhiều hộ dân trong xóm. Vài năm trở lại đây, với sự hỗ trợ của Nhà nước, các hộ dân đã bắt đầu mở rộng và thay thế các giống chè cũ bằng các giống chè lai cho hiệu quả kinh tế cao, đem về thu nhập ổn định. Tính đến nay, ba Nhất có 64,4ha chè, trong đó có 59,3ha chè giống mới, còn lại là chè trung du. Ông Triệu Hữu Tiên, Trưởng xóm Ba Nhất cho biết: Trước năm 2014, chè khô của xóm chỉ bán được với giá 50.000-60.000 đồng/kg thì nay, bà con được tư thương vào tận nơi thu mua với giá trên dưới 110.000 đồng/kg. Trong số 150 hộ làm chè, đã có một số hộ lắp đặt hệ thống vòi bơm tự động, nhờ đó năng suất cũng được nâng cao đáng kể. Đi đôi với trồng trọt, người dân trong xóm cũng đã bước đầu đầu tư nhiều hơn cho chăn nuôi, chủ yếu là gia súc.
Cùng với đường và mương, tháng 10-2017, xóm được đầu tư xây dựng thêm trạm điện Hải Vàng, nên đã nâng tỷ lệ các hộ dân được sử dụng điện lên 100%. Bà Đặng Thị Loan, người dân trong xóm chia sẻ: Trước đây khi chưa có điện lưới, gia đình chủ yếu sử dụng đèn dầu, điện từ máy phát tự chế để ở suối, ban ngày phải chắn nước thì buổi tối mới có điện để dùng nhưng cũng chỉ đủ thắp sáng 1-2 bóng điện, mọi sinh hoạt đều rất khó khăn. Việc sao chè khi đó cũng phải làm toàn bộ bằng quay tay và phải có 2 người mới sao được. Giờ thì máy sao chè chạy bằng điện nên chỉ cần 1 người cũng có thể sao được chè. Cũng nhờ có điện nên gia đình đã mua thêm nhiều vật dụng thiết yếu như quạt, tivi,… nhờ đó đời sống của gia đình được cải thiện rõ rệt.
Có thể thấy từ sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, cùng sự nỗ lực của người dân nên đời sống của người dân Ba Nhất đã có những chuyển biến tích cực. Từ một xóm với phần lớn là hộ nghèo được hưởng hỗ trợ theo Chương trình 135, thì từ năm 2017, xóm đã thoát khỏi danh sách xóm 135; hầu hết các hộ đều sắm được tivi, xe máy, nồi cơm điện, sử dụng điện thoại di động và hiện số hộ nghèo chỉ còn 23 hộ. Dù vậy, Ba Nhất vẫn là xóm còn nhiều khó khăn của xã Phú Thượng và vẫn rất cần sự quan tâm, đầu tư thêm nữa của Nhà nước. Nhưng chúng tôi tin rằng, với thay đổi trong đời sống xã hội của người dân những năm qua, Ba Nhất sẽ tiếp tục có bước phát triển hơn nữa, xứng với cái tên mà xóm có được theo nghĩa phát triển, chứ không phải vất vả, nghèo đói như xưa.