Bước tiến trong xây dựng kết cấu hạ tầng

10:04, 25/08/2018

Thời gian qua, việc thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền ở huyện Đồng Hỷ quan tâm lãnh đạo và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả khả quan. Nhờ đó, diện mạo các vùng nông thôn, miền núi của huyện ngày càng khởi sắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân địa phương.

Những ngày này, đến xã Hóa Trung (là 1 trong 3 xã đăng ký về đích NTM năm 2018 của huyện Đồng Hỷ), chúng tôi nhận thấy nhiều công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn đang được khẩn trương thi công, trong đó có một số công trình chuẩn bị hoàn thành, như: Xây dựng nhà văn hóa trung tâm và các công trình phụ trợ; sửa chữa phòng làm việc của bộ phận “một cửa”; xây dựng nhà lớp học 3 tầng với 12 phòng và các công trình phụ trợ của Trường liên cấp tiểu học và THCS; thi công 3.000m đường bê tông liên xóm…

Đồng chí Phạm Văn Bẩy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thực hiện Chương trình XDNTM, đến nay địa phương đã đạt 15/19 tiêu chí và phấn đấu về đích vào cuối năm 2018 theo kế hoạch. Tính từ năm 2015 đến nay, xã đã huy động được trên 40 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhờ đó diện mạo nông thôn trên địa bàn ngày càng khởi sắc, đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên.

Cùng với Hóa Trung, các xã khác trên địa bàn huyện cũng được tập trung đầu tư thực hiện Chương trình XDNTM. Tính từ năm 2016 đến nay, huyện đã huy động được trên 600 tỷ đồng để phục vụ XDNTM ở các xã. Qua đó, trung bình mỗi xã đạt thêm 2 tiêu chí/năm, bảo đảm về đích NTM theo đúng tiến độ đề ra.

Bïn caånh tập trung đầu tư cho các xã về đích NTM, một trong những nội dung được huyện Đồng Hỷ chú trọng đầu tư là giao thông. Huyện Đồng Hỷ hiện có QL1B và QL17 đi qua, có tuyến đường nối Quốc lộ 3 với Quốc lộ 1B, đường tỉnh 272, 273, 269D… Ngoài ra còn có dòng sông Cầu chảy dài từ xã Minh Lập đến xã Văn Lăng. Địa bàn huyện có nhiều tài nguyên khoáng sản đang được khai thác dẫn đến số lượng phương tiện vận tải hoạt động rất lớn, không tránh khỏi việc đường giao thông nhanh xuống cấp.

Xác định hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, huyện ưu tiên sửa chữa, phát triển mạng lưới giao thông, đặc biệt là các tuyến đường liên thôn, liên xã. Nhờ đó, hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện tương đối đồng bộ, hệ thống đường bộ đã được quy hoạch ổn định theo quy hoạch đô thị và quy hoạch XDNTM. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã cải tạo, nâng cấp hơn 300km đường giao thông các loại. Đến nay 100% tuyến đường liên xã trong huyện đã đảm bảo cho các phương tiện di chuyển; toàn huyện có 21 cây cầu, trong đó có 5 cầu treo, 1 cầu giàn thép và 15 cầu bê tông; tỷ lệ đường bê tông hóa đạt 80%.

Cùng với tập trung xây dựng đường giao thông, chương trình kiên cố hóa hệ thống kênh mương đã được quan tâm. Từ năm 2016 tới nay, huyện đã cải tạo sửa chữa 10 công trình hồ đập, 30km kênh mương, đáp ứng tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp và phục vụ dân sinh. Hệ thống chợ, dịch vụ thương mại được đầu tư từ nguồn xã hội hóa ngày một hoàn thiện, nhiều chợ được nâng cấp, cải tạo đáp ứng được tiêu chuẩn quy định. Các công trình hạ tầng khác cũng đã được quan tâm đầu tư mới cũng như nâng cấp. Hệ thống điện chiếu sáng, cấp nước, thông tin liên lạc đã từng bước đầu tư đồng bộ. Đặc biệt, được sự quan tâm của tỉnh và ngành điện, 14 xóm bản có điều kiện đặc biệt khó khăn đã có điện lưới Quốc gia từ đầu năm 2018… qua đó từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Song song với việc đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, thời gian qua, huyện đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng xã hội. Giáo dục và đào tạo tiếp tục được tập trung đầu tư để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, mạng lưới trường, lớp học được mở rộng, cơ sở vật chất trường học được nâng lên đáng kể. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đã  xây mới và sửa chữa 165 phòng học, phòng chức năng cho các nhà trường; xây dựng thêm 10 trường đạt chuẩn Quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn Quốc gia toàn huyện lên 45/53 trường. Mạng lưới y tế cơ sở, ngoài công trình chính về khám và điều trị đã có nhiều hạng mục khác được đầu tư. 100% trạm y tế tuyến xã, thị trấn đều có bác sĩ và đạt chuẩn Quốc gia theo bộ tiêu chí mới.

Đồng chí Nguyễn Văn Thủy, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ cho biết: Từ năm 2016 đến nay, huyện đã huy động được trên 800 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn khác nhau để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ. Với nguồn vốn này, huyện ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực quan trọng (như giao thông, thủy lợi, điện), đặc biệt quan tâm đầu tư cho các xã thực hiện Chương trình XDNTM; triển khai thực hiện các dự án phát triển quỹ đất, giao thông, cấp nước, điện, bưu chính viễn thông... Qua đó tạo điều kiện thúc đẩy và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội toàn huyện.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện vẫn còn một số tồn tại: đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; số tuyến đường huyện, đường liên xã chưa được cứng hóa vẫn còn; hệ thống giao thông đô thị và các vùng trọng điểm chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế; giao thông liên vùng chưa bảo đảm thông suốt trong mùa mưa, nhất là ở các khu vực miền núi... Để khắc phục những tồn tại này, thời gian tới huyện chú trọng tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền trong phát triển kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh công tác quy hoạch; tập trung nguồn lực và nguồn vốn đầu tư; tăng cường công tác quản lý để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực. Mặt khác, huyện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; làm tốt công tác tuyên truyền; quan tâm công tác bảo vệ môi trường ngay từ khi thẩm định, phê duyệt quy hoạch… Phấn đấu đến năm 2020, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội huyện tương đối đồng bộ và theo hướng hiện đại, góp phần đẩy nhanh tiến trình XDNTM.