Những năm gần đây, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân ở các xã vùng cao đã chủ động hơn trong việc áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp để giải phóng sức lao động, góp phần nâng cao hệ số sử dụng đất và phát triển kinh tế.
Trước đây, do kinh tế còn khó khăn, chưa có điều kiện đầu tư các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp nên phần lớn bà con chỉ sử dụng sức kéo của trâu, bò để làm đất, sức người để thu hoạch nông sản. Với mong muốn cải thiện điều kiện sản xuất, nhiều hộ gia đình phải góp vốn với nhau mới mua được những chiếc máy công suất nhỏ như: máy tuốt lúa mini, máy xới đất mini.
Tuy nhiên, 10 năm trở lại đây, tỷ lệ cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp đang ngày càng tăng và phát triển theo hướng tích cực. Để có được thành quả như vậy là nhờ hàng năm, tỉnh ta luôn có những cơ chế chính sách hỗ trợ người dân mua máy phục vụ sản xuất, trong đó nhiều hộ dân ở các xã vùng cao cũng đã được thụ hưởng. Cụ thể như Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 tỉnh Thái Nguyên, từ năm 2016 đến nay, dự án đã hỗ trợ hơn 11.000 máy móc, thiết bị cho trên 10.000 hộ với tổng kinh phí hơn 27,8 tỷ đồng.
Hay Chương trình hỗ trợ cơ khí hoá nông nghiệp của Chi cục Phát triển nông thôn, trong giai đoạn năm 2016-2017 đã hỗ trợ công cụ, thiết bị sản xuất nông nghiệp cho 82 hộ dân có tổng kinh phí khoảng 600 triệu đồng, với nhiều loại máy như: máy phun thuốc trừ sâu, máy làm đất đa năng trâu vàng, máy chế biến thức ăn chăn nuôi đa năng 3A… Trong năm 2018, theo phương án sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, tỉnh cũng đã và đang hỗ trợ 12 máy sao chè bằng gas, hệ thống tưới tiết kiệm cho 257 điểm sản xuất chè với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng.
Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân ở các xã vùng cao cũng đã mạnh dạn sắm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp thường ngày với công suất phù hợp để giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế. Anh Đào Văn Dũng, xóm Nà Chú, xã Linh Thông (Định Hoá) hào hứng: Gia đình tôi đang nuôi hơn 20 con bò. Những năm trước, tôi phải thuê người làm các công việc như chăm sóc cỏ, băm cỏ… Nhận thấy chi phí thuê nhân công vừa đắt, hiệu quả lại không cao nên tôi đã đầu tư gần 150 triệu đồng để mua máy cày 4 bánh, máy vun xới, máy cắt cỏ và máy băm cỏ. Do vậy, năng suất lao động tăng rõ rệt. Trước đây, 1 ngày cần 3-4 người để băm cỏ cho 20 con bò/bữa (trung bình 1 con ăn 10kg cỏ/bữa) thì nay chỉ cần 20 phút.
Điều đáng nói là, hiện nay, một số hộ dân ở vùng cao đã biết đầu tư máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp công suất lớn để phát triển dịch vụ cơ giới hoá, tăng thêm nguồn thu nhập. Anh Vũ Đức Nguyên, xóm Khuôn Ruộng, xã Tràng Xá (Võ Nhai) cho hay: Tôi đã mua nhiều loại máy để giải phóng sức lao động cho các thành viên trong gia đình như: máy gặt đập liên hợp, máy cày, máy phay, máy tẽ ngô… Năm 2015, tôi đầu tư 600 triệu đồng để mua máy gặt đập liên hợp, nhờ đó năng suất đã tăng gấp 10 lần, chỉ trong 2 tiếng có thể gặt được 1ha lúa. Ngoài ra, tôi còn sử dụng máy gặt đập liên hợp để đi gặt thuê cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện. Vào vụ mùa, mỗi ngày tôi có thể gặt được khoảng 100 sào, với giá 130.000-140.000 đồng/sào. Trừ chi phí bảo dưỡng và tiền dầu, sau mỗi vụ tôi thu được tiền công trung bình khoảng 100 triệu đồng.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, số lượng lao động trong ngành Nông nghiệp đang có xu hướng giảm dần do phần lớn số người trong độ tuổi lao động đều đi làm tại các công ty, nhà máy… khiến lực lượng sản xuất ở nhà chủ yếu là người trung tuổi, người già. Việc đưa máy móc vào phục vụ sản xuất đã góp phần giải phóng sức lao động cho con người trong nhiều khâu và nâng cao hệ số sử dụng đất trên cùng một đơn vị diện tích canh tác. Chị Triệu Thị Nga, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hoá chia sẻ: Tại các xã: Kim Phượng, Bảo Cường, Tân Dương… người dân đã sản xuất được 3 vụ/năm, tăng 1 vụ/năm so với trước, trong đó có 2 vụ lúa và xen canh 1 vụ trồng hoa màu. Có được kết quả này một phần là nhờ người dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, giảm sức lao động bằng tay.
Hiện nay, việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp tại các xã vùng cao vẫn còn khó khăn do địa hình bị chia cắt, ruộng đất không bằng phẳng, manh mún; đường giao thông nội đồng chưa được quy hoạch nên những loại máy có công suất lớn rất khó sử dụng. Để nâng cao hiệu quả việc áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì các chương trình hỗ trợ người dân mua máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp; mở các lớp tập huấn để tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các loại máy móc hiện đại. Ngoài ra, tuỳ thuộc vào đặc điểm địa hình, chính quyền địa phương nên định hướng người dân lựa chọn những loại máy có công suất, chủng loại phù hợp với địa hình và nhu cầu sử dụng.