Giá lợn hơi tăng, mừng và lo

18:18, 29/08/2018

Sau một thời gian dài giá lợn hơi giảm mạnh khiến nhiều cơ sở chăn nuôi bị thua lỗ nặng thì bắt đầu từ tháng 5-2018 đến nay đã liên tục tăng cao. Điều này mang đến nhiều hy vọng có thể bù được lỗ của năm trước cho những người chăn nuôi nhưng vẫn khiến họ không khỏi lo lắng về sự bất ổn của thị trường có thể tái diễn.

Sự xuống giá trầm trọng của thịt lợn năm 2017 đã trở thành nỗi ám ảnh đối với những người chăn nuôi. Trong 1 năm, giá cả thường xuyên thấp ở mức kỷ lục kéo dài đã khiến phần lớn trang trại, gia trại bị thua lỗ nặng. Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lợn cũng phải giảm đàn, kéo dài thời gian nuôi giữa các lứa. Điều này đã khiến số lượng đàn lợn của tỉnh tính đến tháng 6-2018 còn 629 nghìn con, giảm hơn 116,2 nghìn con (tức giảm 18,5%) so với cuối năm 2016 (thời điểm tổng đàn lợn tăng cao); số lượng các cơ sở chăn nuôi theo quy mô nông hộ cũng giảm mạnh.

Sau một thời gian rớt giá thê thảm, khiến nguồn cung đã giảm đáng kể nên từ đầu năm đến nay, giá lợn đã liên tục tăng. Trong tháng 8, giá thịt lợn hơi trung bình khoảng trên 50.000 đồng/kg, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái; giá lợn con giống vào khoảng 1,2-1,3 triệu đồng/con nặng 10kg, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2017. Với giá bán như vậy, người dân đã thu được lợi nhuận nhưng chỉ có điều không có nhiều lợn để bán. Anh Dương Ánh Quý, xã Xuân Phương (Phú Bình) cho biết: Trước đây, tôi chỉ chăn nuôi quy mô nhỏ nhưng năm 2016, nhận thấy giá lợn tăng mạnh nên tôi đã xây dựng lại chuồng với quy mô lớn hơn và tăng đàn lên 50 con lợn nái và 400 con lợn thịt. Tuy nhiên, thị trường bất ổn vào năm 2017 đã khiến giá lợn bán ra thấp hơn giá thành sản xuất và thương lái cũng không mặn mà nên gia đình tôi phải bán tháo, bán lỗ, dẫn đến thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Năm nay, giá tăng thì tôi lại không có nhiều lợn để bán nên mới chỉ “gỡ” được hơn 200 triệu đồng.

Mặc dù, lợn bán ra được giá cao nhưng người chăn nuôi vẫn rất thận trọng trong việc tái đàn do lo lắng một kịch bản như năm 2017 có thể tái diễn khi cung vượt cầu. Chị Nguyễn Thị Cương, chia sẻ: Rút kinh nghiệm từ năm ngoái, tôi sẽ không tái đàn ồ ạt. Theo đó, tôi sẽ chỉ duy trì nuôi khoảng 100 con lợn nái, 700 con lợn thịt để đảm bảo có đủ khả năng duy trì đàn khi giá cả thị trường xuống thấp. Cùng chung tâm lý như vậy, anh Ngô Trinh Ngà, xã Khe Mo (Đồng Hỷ) cho hay: Thiệt hại từ năm 2017 đã khiến tôi phải thu hẹp lại quy mô chăn nuôi, từ 12 chuồng xuống còn 4 chuồng và từ 20 con/chuồng xuống còn 10 con/chuồng. Mặc dù lợn bán ra đang được giá cao nhưng từ đầu năm đến nay tôi mới chỉ dám tái đàn 40 con lợn giống (bằng 1/5 so với năm ngoái) do giá giống quá cao và thị trường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nhận định về ngành chăn nuôi trong thời gian vừa qua, nhiều nhà chuyên môn cho rằng: Hiện nay, tổng đàn lợn tuy có giảm so với trước nhưng vẫn đủ để đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong tỉnh và xuất sang các tỉnh khác. Nhìn chung, trong cả nước không có hiện tượng thiếu nguồn cung. Vì vậy, người chăn nuôi không nên tái đàn ồ ạt và cần cẩn trọng trong quá trình chăn nuôi trong thời gian tới vì giá có thể xuống thấp. Nguyên nhân của việc giá lợn hơi không ổn định là do phần lớn các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ lẻ, phân tán nên rất khó quản lý, các cơ sở chủ yếu vẫn chăn nuôi theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Các sản phẩm thịt xuất ra thị trường chủ yếu vẫn bày bán tại chợ truyền thống trong nước nên sức cạnh tranh không cao. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi còn phụ thuộc vào đường tiểu ngạch sang các nước lân cận, chủ yếu là Trung Quốc nên rất bấp bênh.

Öng Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Với tình hình chăn nuôi lợn như hiện nay, người chăn nuôi cần tránh tái đàn ồ ạt, thường xuyên theo dõi thị trường, đồng thời chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Về phía tỉnh, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường công tác thông tin về giá cả thị trường kịp thời cho người dân; tiếp tục quy hoạch các cơ sở chăn nuôi theo hướng từ quy mô nhỏ lẻ sang tập trung theo mô hình trang trại, gia trại có ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến; tăng cường tuyên truyền tới người dân tham gia sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết gắn với thị trường tiêu thụ; tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư và tham gia chuỗi liên kết, phát triển các hợp tác xã chăn nuội.....\