Trong khi nhiều người làm chè đang loay hoay tìm đầu ra cho các sản phẩm chè thì chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (sinh năm 1990) lại từ bỏ công việc đem lại nguồn thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng tại một nhà máy nhiệt điện ở Quảng Ninh để trở về quê hương sản xuất bột trà matcha. Hướng đi mới này đã và đang đạt được thành quả bước đầu với doanh thu trên 1,5 tỷ đồng/năm.
Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm chè ở xã Hoàng Nông (Đại Từ). Năm 2013, cầm trên tấm bằng Đại học chuyên ngành Kỹ thuật môi trường tại Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, chị Ngọc xin đi dạy tiếng Anh tại các trung tâm ngoại ngữ ở Thái Nguyên, Hà Nội. Sau đó, chị lấy chồng và làm việc tại một nhà máy nhiệt điện ở tỉnh Quảng Ninh với mức thu nhập nhiều người mơ ước, trên 10 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, đến năm 2015, chị Ngọc quyết định trở về Thái Nguyên để trồng và sản xuất chè. Trở về quê hương, việc đầu tiên chị làm là vào làm chè ở vùng Tân Cương để học hỏi thêm kinh nghiệm. Sau đó, chị bắt tay vào cải tạo các đồi chè hiện có của gia đình ở xã Hoàng Nông.
Năm 2017 chị mua nhà và trên 3.000m2 chè ở xóm Làng Ngói, xã Cổ Lũng (Phú Lương), đồng thời thành lập Công ty TNHH ORGAMA, vay vốn đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị để làm ra các sản phẩm chè búp khô và bột trà matcha. Chị Ngọc chia sẻ: Mặc dù học tại Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên nhưng trồng và chế biến chè vẫn luôn là niềm đam mê từ nhỏ của tôi. Trong một lần được tiếp xúc với một doanh nhân người Nhật Bản, tôi mới biết đến trà matcha. Nghe giới thiệu về quá trình sản xuất cũng như công dụng tuyệt vời của trà matcha, tôi cảm thấy rất hứng thú và nảy ra dự định về Thái Nguyên sản xuất loại bột trà này. Năm 2015, tôi quyết định về quê khởi nghiệp từ cây chè ở quê hương. Để làm trà matcha tôi phải vay vốn để xây dựng xưởng và mua sắm các máy móc, thiết bị làm bột trà matcha, như: máy sấy lạnh bơm nhiệt, máy thổi khí, máy nghiền và các loại máy đóng gói bao bì... với tổng trị giá gần 500 triệu đồng. Cùng với đó, tôi còn mua sắm thêm máy móc, thiết bị để làm các sản phẩm chè búp khô. Hiện nay, Công ty có vùng nguyên liệu chè với tổng diện tích trên 3ha, trong đó có 1ha chuyên làm bột trà matcha. Hoạt động của Công ty được duy trì hoạt động thường xuyên với việc sản xuất và xuất bán ra thị trường khoảng 1.800kg chè búp khô và 600 kg trà matcha, góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập 4-6 triệu đồng/tháng và 20 lao động thời vụ với mức thu nhập 200 nghìn đồng/ngày.
Trà matcha là thứ bột mịn màng được làm ra từ những búp chè xanh non, theo quy trình, công nghệ của Nhật Bản. Để làm bột trà matcha, chị Ngọc đã khoanh vùng và cải tạo 1ha chè trung du. Chè được trồng và chăm sóc hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ với 6 "không": không thuốc trừ sâu, không thuốc trừ cỏ, không phân bón hóa học, không chất kích thích tăng trưởng, không chất bảo quản, không hương liệu và chất tạo màu. Thứ bón cho cây chè là phân dê, phân xanh đã ủ kỹ. Để sản xuất ra trà matcha đòi hỏi rất kỳ công. Trước khi thu hái, chè phải được che nắng bằng lưới màu đen 20 ngày. Việc che phủ này là nhằm tránh ánh nắng mặt trời. Khi bị thiếu ánh sáng, lá chè buộc phải vận động nhiều hơn, diệp lục tố trong lá chè tăng lên, lá chè có màu đậm hơn, vị ngọt êm dịu và chứa hàm lượng dinh dưỡng cao hơn lá chè thông thường. Sau khi thu hái, những búp chè non được hấp trong nồi hơi khoảng 40 giây, rồi đem đi thổi khô bằng máy thổi khí. Tiếp đó, những búp chè được mang đi sấy lạnh khoảng 20 giờ đồng hồ. Sau đó, búp chè được đem đi lọc cọng rồi cho vào cối đá nghiền granit. Cối đá này được chị Ngọc nhập về từ Nhật Bản. Việc nghiền diễn ra rất chậm, một giờ đồng hồ chỉ nghiền được 40gam nên không tạo nhiệt và giữ nguyên được dưỡng chất lá chè. Sản phẩm sau khi nghiền là thứ bột rất mịn. Khâu cuối cùng là đóng gói sản phẩm với nhiều quy cách khác nhau theo nhu cầu của khách hàng, như đóng gọi dạng túi zip, túi giấy, hộp nhôm... Hiện, Công ty chị Ngọc đã sản xuất ra khá nhiều sản phẩm trà matcha để uống như: Premium Matcha, Truly Matcha, Matcha Green Tea; làm đẹp: Matcha for beauty và làm bánh: Matcha Đậm Đà Hương Trà Việt. Các sản phẩm của Công ty chị đều được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cấp Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, chị Ngọc cho biết: Ban đầu, việc sản xuất trà matcha gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là trà matcha rất ít người làm, tài liệu về kỹ thuật sản xuất sản phẩm này cũng không nhiều. Cùng với đó, nhiệt độ, khí hậu ở Việt Nam cũng khác so với ở Nhật Bản. Bởi vậy, việc áp dụng quy trình sản xuất trà matcha theo quy trình Nhật Bản gặp trở ngại khá lớn, hững ngày tháng đầu thực hiện tôi đã bị hỏng nhiều mẻ. Ngoài ra, việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng rất khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, tôi đã phải lục tìm tất cả các thông tin, tài liệu liên quan đến sản xuất trà matcha và cả tham vấn, học hỏi kinh nghiệm của chính các thương nhân Nhật Bản sản xuất sản phẩm này. Cùng với đó, tôi cũng xúc tiến giới thiệu, quảng bá sản phẩm qua trang webside, tham gia các hội chợ triển lãm ở Thái Nguyên, Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh và cả Thái Lan. Hiện, các sản phẩm của Công ty đang được tiêu thụ ở các cửa hàng, đại lý tại trong tỉnh và các tỉnh, thành: T.P Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, T.P Hồ Chí Minh. Do làm trà matcha tốn nhiều công sức, chi phí nên giá bán khá cao, từ 1,2 đến 1,4 triệu đồng/kg bột trà matcha. Thời gian tới, tôi có dự định sẽ tập trung đầu tư mở rộng quy mô nhà xưởng, vùng nguyên liệu chuyên làm chè matcha lên gấp đôi, đồng thời nâng cao hơn nữa các sản phẩm...
Qua tìm hiểu tài liệu, chúng tôi được biết trà matcha có tác dụng ngăn ngừa bệnh ung thư, tiểu đường chống oxi hóa, lão hóa, giải độc. Trà matcha còn có tác dụng cung cấp dinh dưỡng cho não, tăng cường minh mẫn và giảm stress cho cơ thể. Ngoài ra, trà matcha còn có tác dụng làm đẹp da, giảm cân hiệu quả... Với những lợi ích như trên, trà matcha sẽ là sự lựa chọn tốt cho người tiêu dùng hằng ngày.