Hợp tác trồng cây ăn quả

16:52, 07/08/2018

Với mong muốn giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong trong phát triển kinh tế, năm 2008, Hợp tác xã (HTX) Phúc Hưng được thành lập, thu hút 10 hộ dân ở xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên) tham gia trồng một số loại cây ăn quả. Sau thời gian hoạt động hiệu quả, đến nay HTX không chỉ là nơi chia sẻ kinh nghiệm, liên kết sản xuất sản phẩm an toàn mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

Hiện nay, Khe Đù là một trong những xóm có diện tích cây ăn quả lớn của xã Phúc Thuận (trên 30ha), trong đó chủ yếu là nhãn. Ông Nguyễn Viết Quỳnh, Giám đốc HTX Phúc Hưng cho biết: Phần lớn bà con trong xóm đều là người ở tỉnh Hưng Yên lên lập nghiệp (năm 1975). Khi đó, một số người dân đã mang theo giống nhãn lồng Hưng Yên về trồng rồi nhân giống rộng trên diện tích vườn đồi của gia đình. Tuy nhiên, việc trồng mang tính tự phát và quy mô nhỏ lẻ cùng với kinh nghiệm trồng trọt còn hạn chế nên hiệu quả mang lại chưa cao. Từ thực tế này, năm 2008, một nhóm hộ dân có chung sở thích đã chủ động cải tạo diện tích vườn đồi và đưa vào trồng nhãn ghép chín muộn Hưng Yên, sau đó thành lập HTX Phúc Hưng. Đến nay, HTX có 10 thành viên tham gia trồng trên 15ha nhãn, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động địa phương. Bình quân mỗi ha nhãn cho thu hoạch khoảng 1,5-2 tấn quả. Với giá bán dao động từ 20.000-30.000 đồng tùy từng loại, sau khi trừ chi phí, 15ha nhãn cho thu lãi hơn 2 tỷ đồng mỗi năm.

Để hỗ trợ nông dân sản xuất, hằng năm HTX đều phối hợp với cơ quan chuyên môn của thị xã tổ chức 3-4 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các thành viên nhằm nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng. Ngoài các buổi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các mô hình hiệu quả tại tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, các thành viên trong HTX cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, phòng chống sâu bệnh và thu hoạch để từ đó áp dụng vào thực tế của gia đình. Anh Nguyễn Viết Hùng, thành viên HTX Phúc Hưng cho biết: Với diện tích 2ha nhãn chín muộn, bình quân mỗi năm gia đình tôi thu hoạch khoảng 40 tấn quả. Các thương lái đến tận vườn thu mua với giá dao động từ 20.000-25.000 đồng/kg tùy từng loại, hằng năm sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu lãi khoảng 300 triệu đồng.

Song song với hiệu quả kinh tế, yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được các thành viên HTX đặc biệt quan tâm và tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định HTX đưa ra. Theo đó, dựa trên một số bước của quy trình sản xuất VietGAP cùng những kinh nghiệm học hỏi từ các mô hình trồng nhãn hiệu quả ở tỉnh Hưng Yên, HTX Phúc Hưng đã hướng người trồng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục cho phép sử dụng hoặc bà con tự chế thuốc phòng, chống sâu bệnh từ ớt, tỏi, giềng xay… Năm 2016, sản phẩm nhãn muộn của HTX Phúc Hưng đã được Trung tâm kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp (Sở Nông nghiệp - PTNT) cấp Giấy chứng nhận sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Từ những hiệu quả kinh tế mang lại, nhãn chín muộn đã trở thành sản phẩm chủ lực mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân xóm Khe Đù. Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế T.X Phổ Yên cho biết: Để vùng nhãn phát triển theo hướng bền vững, thị xã đã định hướng bà con tiếp tục duy trì theo phương thức sản xuất an toàn, đồng thời mở rộng diện tích nhằm nâng cao thu nhập. Mặt khác, thị xã cũng sẽ tích cực xúc tiến và xây dựng hình thức quảng bá thương hiệu giúp bà con tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện để tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm, mở rộng thị trường…