So với nhiều xã khác của huyện Đại Từ thì việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở xã Khôi Kỳ có nhiều khó khăn hơn bởi đây là xã có xuất phát điểm thấp, đời sống người dân khó khăn, cơ sở hạ tầng yếu kém… Nhưng vượt qua những khó khăn ấy, Khôi Kỳ đã từng bước vươn lên hoàn thành các tiêu chí. Hiện nay, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đang ra sức phấn đấu hoàn thành 5 tiêu chí còn lại để về đích nông thôn mới vào cuối năm 2018.
Khôi Kỳ là xã thuần nông, có diện tích tự nhiên hơn 1.348ha, trong đó diện tích cấy lúa trên 300ha. Toàn xã có 1.894 hộ với 7.044 nhân khẩu, chia làm 20 xóm. Là xã nghèo nằm trong diện chương trình 135 của Chính phủ, bước vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, các tiêu chí của xã đều ở mức thấp. Tuy nhiên, ngay từ đầu, Khôi Kỳ đã nhận thức rõ xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, vì thế xã coi đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nên ngay sau khi có chủ trương, cấp ủy, chính quyền xã đã quyết tâm vào cuộc. Nhiệm vụ đầu tiên chính là khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập để vươn lên thoát nghèo. Để bà con có thêm kiến thức về phát triển kinh tế, xã thường xuyên phối hợp với các ngành tổ chức hội thảo về kỹ thuật, trồng trọt, sản xuất chăn nuôi, phát triển mô hình… Qua đó, bà con đã dần chuyển đổi cơ cấu giống lúa, dần mở rộng các diện tích cấy lúa lai, lúa thuần chất lượng cao, nhờ thế mà năng suất lúa của xã ngày càng được nâng lên. Vụ xuân năm 2018, năng suất lúa bình quân của xã đạt 59 tạ/ha, cao hơn bình quân chung toàn huyện và cao hơn so với kế hoạch là 1,5 tạ/ha, sản lượng đạt gần 1.776 tấn, tăng trên 25 tấn so với vụ Xuân năm 2017. Cùng với chuyển đổi giống lúa, nhiều mô hình cây trồng mới được đưa vào sản xuất như: các loại rau, củ đậu, dưa… được đưa vào thâm canh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Về chăn nuôi, bà con không chỉ tập trung mở rộng mô hình chăn nuôi trâu, lợn, gia cầm… mà còn mạnh dạn đầu tư các mô hình chăn nuôi mới ở địa phương như: ong, bồ câu… Từ đó, đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên, mỗi năm xã giảm được từ 2% hộ nghèo trở lên. Hiện toàn xã còn 192 hộ nghèo, giảm 3,56% so với năm 2017.
Khi đời sống được nâng lên, bà con mới có điều kiện tham gia xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn. Để huy động nhân dân cùng chung tay, góp sức xây dựng cơ sở hạ tầng, xã đã tăng cường công tác tuyên truyền đến nhân dân về mục đích, ý nghĩa của Chương trình, đồng thời quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về xây dựng nông thôn mới. Công tác tuyên truyền được triển khai sâu, rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về các nội dung xây dựng nông thôn mới. Với tinh thần Nhà nước hỗ trợ, nhân dân hiến đất, góp công, góp tiền cùng chung tay thực hiện các tiêu chí, người dân xã Khôi Kỳ đã hăng hái tham gia xây dựng các công trình đường giao thông, nhà văn hóa, kênh mương… Sau 6 năm thực hiện Chương trình, người dân trong xã đã hiến trên 3.000m2 đất để làm các công trình, hàng nghìn công lao động, đến nay, bộ mặt nông thôn ở đây đã thay đổi hẳn. Về Khôi Kỳ hôm nay, xen giữa cánh đồng lúa bao la xanh mướt thì con gái là những cung đường bê tông phẳng phiu, sạch sẽ, tỏa đi các xóm: Phú Nghĩa, Gò Vai, Đồng Gà, Đồng Mè, Đức Lương… hai bên đường được điểm tô thêm muôn sắc mầu của các loài hoa: chiều tím, mười giờ, bóng nước… dệt nên một bức tranh quê hương thơ mộng, tươi sáng.
Đồng chí Ngô Kim Thịnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay, toàn xã đã làm được trên 30km đường bê tông. Trong đó, đường trục xóm và đường liên xóm trên 13km; đường ngõ, xóm là gần 14km, đường nội đồng: gần 5km. Cùng với đó, xã còn xây dựng trên 3km kênh mương, xây mới nhà lớp học 2 tầng với 8 phòng học Trường tiểu học và 1 nhà 2 tầng với 8 phòng học trường mầm non. Ngoài ra, nhà văn hóa, sân thể thao dần được củng cố, xây mới, cải tạo theo tiêu chuẩn nông thôn mới… Chỉ tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay, xã đã tiếp nhận 800 tấn xi măng làm đường giao thông, triển khai làm đường 4,5km đường ở 8 xóm là: Gò Miều, Gò Thang, Gò Lá, Bãi Chè, Đức Long, Gốc Quéo, Đồng Cà và Cuốn Cờ. Đồng thời đã xây dựng và đưa vào sử dụng đập ông Phan để đảm bảo nguồn nước phục vụ cấy lúa ở địa phương.
Theo kết quả rà soát, đánh giá các tiêu chí, hiện xã đã đạt chuẩn 14/19 tiêu chí. Với mục tiêu đề ra là từ nay đến cuối năm sẽ về đích nông thôn mới, xã đang dồn lực để hoàn thành những phần việc đã đề ra. Hiện, xã còn 5 tiêu chí chưa đạt chuẩn đó là: Giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, hình thức tổ chức sản xuất, môi trường và hệ thống loa truyền thanh. Đồng chí Ngô Kim Thịnh khẳng định: Với sự cố gắng của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng thuận của nhân dân, tin rằng xã sẽ về đích đúng thế hoạch đề ra. Hiện xã đã xây dựng kế hoạch cho từng tiêu chí. Cụ thể là chuẩn bị mở rộng 2 tuyến đường từ UBND xã nối đường 263B và tuyến từ nhà văn hóa xóm Đức Long đi Trường THCS Khôi Kỳ rộng 3m lên 5m để đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn mới. Đối với 2 tuyến đường này, xã đang thực hiện vận động bà con hiến đất và tài sản trên đất với diện tích đất dự kiến sẽ hiến là 3.000m2, đến nay, cơ bản người dân đã đồng tình ủng hộ. Đối với tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, xã đang triển hiện tại xóm Đức Long với diện tích 1.500m2, hiện đã giải phóng xong mặt bằng. Riêng tiêu chí tổ chức sản xuất thì hiện nay đã hoàn thiện hồ sơ thành lập HTX chế biến gỗ theo quy định.
Ngoài việc dồn sức cho 5 tiêu chí còn chưa đạt, xã cũng đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng thu nhập cho người dân. Từng bước xây dựng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản để Chương trình xây dựng nông thôn mới thực sự đi vào chiều sâu và đạt được kết quả bền vững.