Phải khẳng định rằng, công cuộc xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở Đại Từ những năm qua đã khơi dậy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, người dân đã phát huy tốt vai trò là chủ thể, từ đó tạo sức mạnh nội lực, làm cho cho bộ mặt nông thôn từng ngày đổi thay.
Từ khi bắt đầu triển khai thực hiện, huyện luôn xác định: Đây là Chương trình lớn mang tính toàn diện nhằm phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Để thực hiện được, cần có sự đồng thuận của người dân, muốn nhân dân đồng thuận thì phải làm cho dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của Chương trình, mà muốn dân hiểu thì phải đẩy mạnh tuyên truyền. Vì thế nên, huyện đã huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Ngay từ khi bắt đầu thực hiện, huyện đã chỉ đạo các xã trên tinh thần ”lấy dân làm gốc”, mỗi xóm, bản đều thành lập ban vận động, trong đó các thành viên là những người cao tuổi, người có uy tín, cùng với chính quyền xã tuyên truyền, vận động đến từng hộ, từng người dân. Đặc biệt là khi có việc cần huy động người dân đóng góp, tham gia, thì xã cùng với các thành viên ban vận động tổ chức họp dân bàn bạc, có sự đồng thuận cao thì triển khai thực hiện. Vì thế mà, mỗi người dân đều cảm thấy mình là chủ thể trong thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Là 1 trong 2 xã mới về đích nông thôn mới, Phục Linh hôm nay đã có bộ mặt hoàn toàn khác với nhiều công trình mới mọc lên như: trường học, đường giao thông, nhà văn hóa, kênh mương... Bước vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Phục Linh có xuất phát điểm khá thấp với tỷ lệ hộ nghèo cao, môi trường ô nhiễm và cơ sở hạ tầng thiếu, yếu… Nhưng, xác định được tầm quan trọng của Chương trình trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, xã đã tập trung vào công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, quyền và trách nhiệm của mình trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thực hiện tốt công tác công khai dân chủ bàn bạc trong nhân dân thông qua các hội nghị lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng ở các xóm. Qua đó, người dân hưởng ứng nhiệt tình thông qua việc hiến đất, hoa màu, đóng góp tiền, ngày công lao động để xây dựng kênh mương, đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa… Với tổng kinh phí dành cho xây dựng nông thôn mới của xã là gần 39 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương trên 1,5 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trên 8,8 tỷ đồng, ngân sách huyện trên 18 tỷ đồng, ngân sách xã 500 triệu đồng, phần còn lại do các doanh nghiệp, bà con nhân dân đóng góp. Từ đó, xã đã xây dựng trên 24km đường bê tông, trên 16km kênh mương, xây mới 10 nhà văn hóa…
Qua 7 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, với chủ trương xã hội hóa nguồn vốn thực hiện các tiêu chí, người dân đồng thuận góp sức, góp của cùng chính quyền địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, đến nay, xã Phú Xuyên đã tiến gần đến đích nông thôn mới. Hiện, xã đã đạt chuẩn 15 tiêu chí, còn 4 tiêu chí đang hoàn thiện nốt là: Cơ sở vật chất văn hóa, thông tin và truyền thông, tổ chức sản xuất, môi trường. Với niềm vui vừa mới hoàn thành con đường nối 2 xã Phú Xuyên – Na Mao chiều dài 900m, hiện nay bà con càng phấn khởi, hăng hái tham gia thực hiện nốt những phần việc còn lại là: Xây dựng thêm 1 nhà văn hóa xóm 11, sửa chữa 1 nhà văn hóa xóm Tân Lập và lắp đặt trạm truyền thanh, kiện toàn lại hoạt động của Hợp tác xã chè Chính Phú, xây dựng điểm tập kết xe chở rác. Hiện nay, các phần việc này đang được thực hiện đúng theo tiến độ đề ra, dự kiến đến tháng 10-2018 sẽ hoàn thành.
Không riêng Phục Linh, Phú Xuyên mà bây giờ về bất cứ xã nào trên địa bàn huyện Đại Từ, đều thấy phong trào xây dựng nông thôn được bà con hưởng ứng mạnh, bộ mặt nông thôn khang trang, đổi mới từng ngày. Từ khi bước vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện Đại Từ đã xây dựng, cải tạo và nâng cấp được trên 800km đường giao thông các loại và kênh mương nội đồng; trên 100 công trình thủy lợi, xây dựng nhiều nhà văn hóa... Nhất là trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm huyện đều làm được từ 160km đường bê tông trở lên. Trong năm 2017, huyện đã xây dựng trên 87km đường bê tông nông thôn, trong đó kinh phí đối ứng của nhân dân gần 40 tỷ đồng. Ngoài ra, trên 1.500 hộ hiến đất được trên 91.000m2. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, tổng nguồn lực dành cho xây dựng nông thôn mới của huyện là trên 201 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là trên 45 tỷ đồng; ngân sách địa phương là gần 29 tỷ đồng; vốn lồng ghép trên 113 tỷ đồng; vốn huy động các doanh nghiệp 2 tỷ đồng và đóng góp của cộng đồng dân cư trên 12,3 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, huyện đã thực hiện 36 công trình giao thông, 32 công trình thủy lợi, 6 công trình thể thao cấp xã, 25 công trình nhà văn hóa xóm. Ngoài ra, huyện còn sửa chữa, nâng cấp trạm y tế, trường học, chợ nông thôn, xây dựng điểm tập kết xe chở rác...
Với sự đồng lòng của người dân, năm nay toàn huyện có 5 xã đăng ký về đích nông thôn mới là: Khôi Kỳ, Phú Xuyên, Phú Lạc, Tân Linh và Bình Thuận. Đến nay, 5 xã này đã thực hiện rà soát toàn bộ kết quả thực hiện, nhằm xác định các tiêu chí còn thiếu, từ đó tập trung sức mạnh để hoàn thành. Nếu như 5 xã này được công nhận đạt chuẩn đúng theo kế hoạch thì đến hết năm nay, huyện Đại Từ sẽ có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, rút ngắn con đường thực hiện huyện nông thôn mới. Đối với 12 xã chưa đạt chuẩn, huyện cũng đã chỉ đạo rà soát, đánh giá kết quả thực hiện và xây dựng kế hoạch thực hiện đối với từng tiêu chí. Qua đó huy động nguồn lực từng bước thực hiện theo lộ trình đề ra.