Nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Phú Lương đã thành lập nhiều mô hình phụ nữ liên kết sản xuất phù hợp với điều kiện từng địa phương. Qua đó giúp chị em chuyển đổi hình thức sản xuất từ tự phát sang có kế hoạch, cùng nhau liên kết tiếp cận thị trường để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, đồng thời khẳng định vị thế của người phụ nữ trong gia đình và cộng đồng.
Tổ liên kết phụ nữ trồng cây dược liệu, phát triển kinh tế tại địa phương của xã Yên Ninh là một ví dụ. Năm 2017, nhận thấy lợi thế của xã là có Công ty CP sản phẩm thiên nhiên DK đóng chân trên địa bàn và đang liên kết với người dân mở rộng vùng nguyên liệu, Hội LHPN xã Yên Ninh đã tập hợp hội viên, người dân có nhu cầu trồng và chế biến cây dược liệu để thành lập tổ liên kết. Theo đó, Tổ liên kết có 23 thành viên tham gia trồng các loại cây trồng chủ yếu như dây thìa canh, xả chanh, xả Java, cây rau mùi với tổng diện tích trên 5ha. Các thành viên tùy thuộc vào điều kiện diện tích đất, nhân lực của gia đình để đăng ký tham gia trồng loại cây phù hợp theo yêu cầu của Công ty. Tham gia vào tổ, các thành viên được Công ty hỗ trợ cây giống, phân bón, tập huấn, chuyển giao khoa học, chăm sóc thu hái và bao tiêu sản phẩm. Nhờ vào mô hình này, việc trồng cây dược liệu đã trở thành hoạt động kinh tế mũi nhọn, giúp nhiều phụ nữ ở Yên Ninh thoát nghèo, làm giàu.
Chị Hà Thị Dương, Tổ trưởng Tổ liên kết phụ nữ trồng cây dược liệu, phát triển kinh tế tại địa phương của xã Yên Ninh, chia sẻ: Gia đình tôi có 5 sào ruộng. Nếu như trước đây chỉ cấy được 1 vụ lúa thu được trên 2 triệu đồng thì nay tôi trồng dây thìa canh, một năm thu 3 lứa, đạt gần 18 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với cấy lúa. Trồng cây dược liệu giờ trở thành hướng phát triển kinh tế mang lại thu nhập chính cho gia đình.
Theo Anh Hoàng Khắc Cần, Giám đốc Công ty CP sản phẩm thiên nhiên DK: Việc hợp tác với tổ liên kết phụ nữ (nhóm các hộ dân) trong việc xây dựng vùng nguyên liệu thuận lợi hơn rất nhiều so với việc chúng tôi hợp tác với từng cá nhân. Bởi lẽ, không chỉ dễ dàng trong việc mở rộng diện tích vùng nguyên liệu (do được tổ liên kết tuyên truyền đến các hộ dân), bảo đảm hợp đồng ký kết giữa Công ty và hộ dân, mà các thành viên trong tổ sẽ chia sẻ với nhau kinh nghiệm, cách phòng trừ sâu bệnh, cùng Công ty tìm giải pháp khắc phục.
Tổ liên kết ở xã Yên Ninh chỉ là một trong rất nhiều mô hình phụ nữ liên kết trên địa bàn huyện. Chị Khuông Thị Kim Nhung, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Lương cho biết: Hội LHPN huyện hiện có hơn 19 nghìn hội viên, sinh hoạt ở 16 hội cơ sở, 253 chi hội. Cuộc sống của chị em còn nhiều vất vả, khó khăn về kinh tế, nhất là chị em vùng dân tộc thiểu số dẫn tới mất bình đẳng giới, quyền làm chủ trong gia đình. Từ cuối năm 2016, chúng tôi đã bắt tay vào thực hiện phát triển các mô hình kinh tế, đặc biệt là xây dựng các tổ liên kết, hợp tác xã với mong muốn cải thiện đời sống kinh tế cho chị em. Để làm được điều này, chúng tôi giao cho các hội cơ sở, dựa vào điều kiện, thế mạnh sẵn có của địa phương mình để thành lập ít nhất mỗi đơn vị một tổ liên kết; động viên chị em có tư duy mới, cách làm mới trong lao động sản xuất, mạnh dạn tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đổi mới phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển kinh tế gia đình.
Theo đó, với mỗi tổ liên kết, Hội đều chỉ đạo hội cơ sở xây dựng kế hoạch, lựa chọn các hộ gia đình, cá nhân, tập thể tiêu biểu trên cơ sở đáp ứng tiêu chí của Hội để đầu tư, hỗ trợ nguồn lực; tổ chức tập huấn, tham quan mô hình tại các địa phương trong và ngoài tỉnh về cách thức tổ chức, hoạt động của tổ liên kết, chuyển giao khoa học kỹ thuật; giới thiệu đầu ra, quảng bá thương hiệu sản phẩm trên các kênh thông tin, kết nối với các hội bạn. Thông qua các buổi sinh hoạt tổ, nhóm đã giúp các thành viên trao đổi kinh nghiệm sản xuất gắn với sinh hoạt Hội, chia sẻ những vướng mắc. Từ đó hội viên ngày càng đoàn kết gắn bó, giúp đỡ nhau, thu hút nhiều người tham gia. Qua đây, các thành viên cùng nhau liên kết tiếp cận thị trường tiêu thụ, để sản phẩm của mình được bán với giá cao và ổn định hơn.
Với những cách làm ấy, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trong toàn huyện đã thành lập được 4 hợp tác xã nông sản an toàn tại xã Yên Đổ, Hợp Thành, Phấn Mễ, Phú Đô. 17 tổ phụ nữ liên kết sản xuất tại 15 hội cơ sở trong các lĩnh vực sản xuất chè, cây ăn quả, nuôi gà, nuôi bò, gói bánh trưng, trồng cây dược liệu… 43 mô hình kinh tế thân thiện với môi trường; 3 cửa hàng tiêu thụ nông sản an toàn tại thị trấn Đu, xã Cổ Lũng và Yên Đổ. Hầu hết các mô hình, sản phẩm làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó, một số sản phẩm không đủ cung ứng ra thị trường.
Tuy nhiên, những khó khăn để Hội LHPN huyện xây dựng các mô hình liên kết sản xuất là nguồn lực và vốn kiến thức của cán bộ hội còn hạn chế; một số chị em còn nặng tư tưởng trông chờ ỉ lại vào đầu tư, hướng dẫn; một số cơ sở chưa quan tâm đến cách hình thức hỗ trợ cho người dân. Do vậy, nhiệm vụ của Hội LHPN huyện thời gian tới là nâng cao kiến thức cho cán bộ hội, tuyên truyền, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của hội viên; tập trung nguồn lực hỗ trợ các mô hình liên kết sản xuất để hoạt động hiệu quả, từng bước khẳng định thương hiệu (có nhãn mác, mã vạch, truy xuất nguồn gốc…) trên thị trường; kết nối các đơn vị trong và ngoài huyện để giới thiệu quảng bá đầu ra cho sản phẩm… Đồng thời tiếp tục nhân rộng các mô hình tổ liên kết trên địa bàn, góp phần cùng địa phương thực hiện tiêu chí giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững.