Năm 2015, Nhã Lộng là một trong số ít địa phương của huyện Phú Bình về đích nông thôn mới (NTM). Phát huy những kết quả đã đạt được, trong những năm gần đây, với việc triển khai đồng bộ và thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế, vận động người dân nỗ lực vươn lên mà tình hình kinh tế - xã hội và đời sống người dân nơi đây được cải thiện, nâng cao hơn trước. Hiện thu nhập bình quân của người dân đạt 40 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 7,2%.
Cùng chúng tôi đi trên những con đường bê tông phẳng phiu nối liền các xóm, ngắm nhìn những ruộng rau xanh mơn mởn, tốt tươi, những ngôi nhà cao tầng mọc san sát, nhà văn hóa, xóm, xã khang trang, sạch đẹp…, ông Dương Ngọc Hưng, Chủ tịch UBND xã Nhã Lộng vui mừng chia sẻ: Đó là kết quả của một quá trình dài nỗ lực thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Xác định hoàn thiện kết cấu hạ tầng là động lực thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển nên xã đã tập trung thực hiện có hiệu quả nội dung này. Trong hơn 2 năm kể từ khi xã về đích NTM, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân trong xã vẫn tiếp tục hưởng ứng phong trào, đóng góp trên 2 tỷ đồng thực hiện xây sửa, kiên cố kênh mương, làm trên 1km đường bê tông…, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí. Đến nay, trên 92% đường ngõ xóm và gần 80% đường liên xóm, 63% kênh mương đã được cứng hóa, đảm bảo phục vụ tốt cho người dân.
Bên cạnh việc xây dựng kết cấu hạ tầng, xã luôn khuyến khích, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với nguồn vốn vay từ các ngân hàng để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tính riêng năm 2017, tổng số vốn cho vay giảm nghèo là trên 13 tỷ đồng, qua đó tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 7,2% (giảm 2% so với năm 2016). Ngoài ra, do diện tích tự nhiên của xã chỉ trên 599ha, trong khi xã có trên 2.000 hộ dân với trên 8.000 nhân khẩu, với mật độ dân số trên 1.200 người/km2, đất chật, dân cư đông nên các mô hình kinh tế chỉ duy trì mở quy mô gia trại. Để tạo thuận lợi cho người dân phát triển chăn nuôi, xã tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhờ đó trên địa bàn không có dịch bệnh lớn xảy ra. Hiện, toàn xã duy trì ổn định 30 gia trại chăn nuôi gia súc gia cầm với tổng đàn trâu, bò 1.100 con, đàn lợn 3.600 con, đàn gia cầm 60.000 con. Anh Nguyễn Văn Hồng ở xóm Đô, một trong những hộ chăn nuôi trong xã cho biết: Tận dụng diện tích vườn, tôi đào ao thả cá, kết hợp trồng cây ăn quả và nuôi 300 gà thả/lứa. Nhờ những kiến thức chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi mà tôi học được qua các lớp tập huấn nên việc chăn nuôi luôn thuận lợi, không xảy ra dịch bệnh, mỗi năm nhà tôi thu về 100-150 triệu đồng.
Song song với chăn nuôi, phát huy điều kiện thuận lợi về đất đai, xã đã vận động bà con tích cực đưa những giống mới có năng suất, chất lượng cao vào trồng. Ngoài trồng lúa 2 vụ với các giống lúa lai, người dân cũng chủ động chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, trồng hoa; phát triển mô hình trồng rau an toàn; liên kết sản xuất giữa các nông hộ tìm đầu ra cho sản phẩm, qua đó nhiều người dân đã có thu nhập ổn định. Bà Ngô Thị Miền, xóm Soi 1 chia sẻ: Trồng rau đã trở thành một nghề đối với những người tuổi già làm nông như tôi, cho thu nhập cao hơn 3-4 lần so với trồng lúa. Hiện nay, nhà tôi có trên 3 sào ruộng chuyên trồng các loại rau tùy theo mùa vụ, riêng mỗi vụ Tết, gia đình tôi cũng thu lãi từ 10-15 triệu đồng. Được biết, không chỉ người dân xóm Soi mà các xóm Đô, Mịt, Bến, Náng, Đồi… cũng phát triển nghề trồng rau với tổng diện tích trên 70ha. Trung bình mỗi vụ, sản lượng rau trong toàn xã là 140-145 tấn/ha, sau trừ chi phí cho thu lãi khoảng 50-60 triệu đồng/ha.
Không chỉ quan tâm đến phát triển nông nghiệp, với lợi thế có 2.5km Quốc lộ 37 chạy qua địa bàn xã, xã luôn tạo điều kiện để người dân phát triển kinh doanh, dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Đến nay, trên địa bàn xã có trên 600 hộ hoạt động với các nghề chính như: chế biến lương thực thực phẩm, cơ khí, điện tử, mộc mỹ nghệ…, góp phần giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động địa phương. Ngoài ra, với việc chú trọng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, trung bình mỗi năm có khoảng 200 người được giới thiệu việc làm mới và có thu nhập ổn định tại các công ty, doanh nghiệp trong tỉnh.
Nói về những nhiệm vụ trong thời gian tới, theo ông Dương Ngọc Hưng, xã Nhã Lộng tiếp tục vận động người dân mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao, trong đó tập trung đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi; khuyến khích các hộ dân đầu tư phát triển các ngành nghề dịch vụ, thương mại, tiểu thủ công nghiệp theo hướng đa ngành nghề, từ đó tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho lao động địa phương.