Tân Kim là một trong những địa phương khó khăn của huyện Phú Bình. Những năm qua, với việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gắn với trồng rừng mà kinh tế đời sống người dân trong xã đã từng bước được nâng cao.
Ông Phạm Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã có trên 1.100ha đất sản xuất nông nghiệp (chiếm 89% diện tích tự nhiên của xã), nhưng diện tích trồng lúa chỉ có trên 490ha nên trồng trọt không phải là thế mạnh của xã. Để giúp người dân phát triển, nâng cao thu nhập, xã xác định, cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những giống có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng, thâm canh tăng vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… thì phải giúp người dân khai thác những thế mạnh của địa phương. Do địa hình xã nhiều đồi núi thấp, rất phù hợp với việc trồng rừng gắn với chăn nuôi, đặc biệt là gà thả đồi nên những năm vừa qua, xã luôn tạo điều kiện, khuyến khích người dân phát triển hướng đi này. Xã cũng đã quy hoạch khu chăn nuôi tập trung xóm Mỏn Hạ (10ha) và xóm Hải Minh (9,24ha).
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi chuyển dần từ nhỏ lẻ sang quy mô gia trại, trang trại, thời gian qua cấp ủy Đảng, chính quyền xã Tân Kim đã phân công cán bộ địa phương phối hợp tích cực với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, hướng dẫn người dân đưa khoa học kỹ thuật vào trong chăn nuôi; tận dụng diện tích đất trống đồi trọc, vườn tạp để trồng các loại cây làm thức ăn cho vật nuôi. Cùng với đó là chú trọng khâu lựa chọn con giống khỏe mạnh, chất lượng ngay từ đầu, làm tốt công tác tiêm phòng định kỳ, chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đói rét cho đàn vật nuôi… Ngoài ra, xã cũng đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp với các ngân hàng ký ủy thác, tín chấp, hỗ trợ vốn để người dân có vốn đầu tư phát triển chăn nuôi; phát huy hiệu quả nguồn vốn được hỗ trợ từ các chương trình, dự án. Bằng các giải pháp phù hợp mà việc phát triển chăn nuôi trên địa bàn xã đạt nhiều kết quả khích lệ, đàn vật nuôi phát triển ổn định, không xảy ra dịch bệnh. Hiện, trên địa bàn xã có trên 150 trang trại, gia trại; trên 20 cơ sở ấp nở gia cầm; tổng đàn trâu, bò trên địa bàn xã là trên 1.600 con, lợn trên 12.000 con, gia cầm trên 365.000 con… Tân Kim là một trong số ít địa phương của huyện có lượng đàn gia súc, gia cầm lớn…
Được biết, toàn xã có trên 1.900 hộ dân thì có khoảng 1.660 hộ sản xuất nông nghiệp, với nguồn thu nhập chính từ chăn nuôi đã giúp không ít hộ dân trong xã vươn lên thoát nghèo, có đời sống ổn định. Như trường hợp của chị Ngô Thị Hưởng, ở xóm Bạch Thạch, trước kia từng là một trong những hộ khó khăn của địa phương thì nay đã xây dựng được nhà tầng với đầy đủ tiện nghi, mua 2 chiếc xe ô tô... Chị Hưởng cho biết: Trước đây, do vốn ít nên vợ chồng tôi cũng chỉ dám chăn thả vài trăm con gà. Khoảng 3 năm gần đây, thông qua Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, tôi được tham gia các lớp tập huấn kiến thức chăn nuôi, được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện nên tôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại có hệ thống làm mát, chống rét. Đàn gà sinh trưởng tốt, không có dịch bệnh, đến nay gia đình tôi chăn nuôi 2 vạn con gà đẻ trứng. Chăn nuôi ổn định, tôi đầu tư mua sắm thêm máy ấp trứng để vừa chủ động nguồn giống chất lượng cho gia đình và cấp giống cho các hộ dân khác trong vùng. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi cũng thu về vài trăm triệu đồng.
Không chỉ mạnh dạn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhiều hộ dân dân còn đào ao và tận dụng diện tích sông ngòi, mặt nước của 16 hồ lớn nhỏ để nuôi trồng thủy sản. Đến nay, tổng diện tích đất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã là trên 30ha, tạo nguồn thu đáng kể cho người dân. Cùng với việc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế nông hộ, xã còn khuyến khích vận động các hộ chăn nuôi liên kết với nhau. Qua đó, trên địa bàn đã xuất hiện các câu lạc bộ, hội nhóm cùng sở thích chăn nuôi như Câu lạc bộ chăn nuôi gà xóm La Đuốc và xóm Mỏn Hạ; Hợp tác xã (HTX) dịch vụ chăn nuôi thủy sản Kim Đĩnh ở xóm Đồng Chúc. Việc liên kết giữa các hộ chăn nuôi đã tạo nên sự thống nhất đồng bộ từ đầu vào, đầu ra, góp phần tăng thêm thu nhập, ổn định sản xuất. Anh Dương Văn Đông, thành viên HTX cho biết: Gia đình tôi có 2 ao cá với diện tích trên 4.000m2. Từ khi liên kết với các hộ dân khác, cùng tham gia vào HTX này vào năm 2017, chúng tôi được hưởng nhiều lơi ích như: mua thức ăn cho cá với giá ưu đãi, có kỹ sư của Công ty về tận nơi hướng dẫn kỹ thuật, đặc biệt, tôi không phải mất công ra chợ bán cá vì đã có thương lái đến tận nơi thu mua với giá ổn định, đảm bảo công bằng cho các thành viên.
Có thể thấy, phát triển kinh tế từ chăn nuôi đang là hướng đi giúp thay đổi cuộc sống của người dân xã Tân Kim. Hiện nay, mức thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt mức 29 triệu đồng/người/ năm (tăng 16 triệu đồng so với năm 2013); tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 18,44%... Thời gian tới, để đưa chăn nuôi trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế, góp phần vào công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã thì người dân rất cần sự quan tâm giúp đỡ của các cấp ngành về giống, vốn, khoa học kỹ thuật, đảm bảo thị trường đầu ra ổn định…