Những ngày qua, thời tiết nóng ẩm xen kẽ mưa dông là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng dịch hại phát sinh, gây hại trên cây lúa.
Cụ thể, ngoài các đối tượng như: sâu đục thân, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, bệnh lùn sọc đen còn xuất hiện thêm rầy nâu với mật độ trung bình 100-500 con/m2, nơi cao 700-1.000 con/m2, cục bộ trên 2.000-4.000 con/m2 (T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công, T.X Phổ Yên, huyện Đại Từ); bệnh khô vằn với tỷ lệ bệnh trung bình 3-10%, nơi cao 20-40%, cục bộ 50-60% rảnh bị bệnh (T.X Phổ Yên, T.P Sông Công).
Để chủ động trong công tác phòng, trừ dịch hại đảm bảo kịp thời, hiệu quả, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật yêu cầu Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật các huyện, thành thị tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn người dân áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại. Đối với bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy nâu nhỏ, bà con cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm ổ rầy, phun thuốc trừ rầy khi khi ruộng có mật độ 2.000-2.500 con/m2. Với diện tích lúa đang làm đòng - trỗ, ruộng chủ động nước, bà con sử dụng một trong các loại thuốc sau để phun phòng trừ: Confidor 050 EC; Butyl 10WP, 40WG, 400SC; Sutin 5EC, 50SC, 50WP, 50WG... Đối với những diện tích lúa khô hạn và lúa từ giai đoạn chắc xanh đến chín, bà con sử dụng một trong các loại thuốc sau: Victory 585EC; Sairifos 585EC; Bassa 50EC... Bà con lưu ý, khi phun cần rẽ lúa thành luống, mỗi luống rộng từ 0,5-0,6m và phun trực tiếp vào gốc lúa nơi rầy tập trung gây hại. Sau khi phun thuốc 2, 3 ngày cần kiểm tra lại, nếu mật độ rầy không giảm cần phun lại. Đối với bệnh khô vằn, bà con phun thuốc phòng trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu như: Carbenzim 50WP, 500FL; Validacin 3SL, 5SL; Sagograin 300EC; Starsuper 60WP...
Được biết, vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy được 40,55 nghìn ha lúa, đạt 102% kế hoạch, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, lúa mùa sớm, mùa trung đang trong giai đoạn làm đòng - trỗ bông; lúa mùa muộn đang đẻ nhánh rộ - đứng cái.