Để đảm bảo đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới (NTM), tại 4 xã của T.P Sông Công đã thành lập các hợp tác xã (HTX). Tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay, các HTX này đều hoạt động không hiệu quả, thậm chí có HTX đã giải thể.
T.P Sông Công hiện có 8 HTX, trong đó có 4 HTX ở các xã đã đạt chuẩn NTM, đó là: HTX Tổng hợp Thành Công (xã Bá Xuyên); HTX Trà Huỳnh (xã Bình Sơn); HTX Dịch vụ nông nghiệp (xã Vinh Sơn); HTX Dịch vụ tổng hợp Tân Quang (xã Tân Quang). Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy, các HTX trên đều không có trụ sở làm việc, hầu hết đã dừng hoạt động hoặc có hoạt động nhưng cũng chỉ cầm chừng; Ban lãnh đạo HTX và các thành viên chưa năng động trong việc tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Đặng Văn Phúc, Giám đốc HTX Tổng hợp Thành Công, xã Bá Xuyên thông tin: Để đảm bảo xã đạt chuẩn NTM, theo sự chỉ đạo của UBND xã, chúng tôi đã thành lập HTX Thành Công năm 2014 gồm có 16 thành viên, với ngành nghề kinh doanh tổng hợp và xây dựng. Tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay, HTX mới chỉ thực hiện được 1 công trình đường giao thông nông thôn dài 600m ở xóm La Cảnh 1, xã Bá Xuyên. Ngoài ra không có 1 hoạt động nào khác. Năm 2017, chợ trung tâm xã Bá Xuyên được xây dựng và đưa vào sử dụng, chúng tôi có đề nghị xã cho HTX đăng ký 1 gian hàng để kinh doanh các sản phẩm phục vụ nông nghiệp nhưng không thấy xã có câu trả lời. Tuy nhiên, theo ông Lưu Văn Toán, Phó Chủ tịch UBND xã Bá Xuyên thì xã đã dành riêng 1 một gian hàng ở chợ trung tâm xã để HTX Tổng hợp Thành Công giới thiệu sản phẩm nhưng không thấy HTX triển khai!?.
Tương tự, tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Vinh Sơn, từ khi thành lập (năm 2014) đến nay, các thành viên trong HTX cũng chưa một lần họp để bàn hướng phát triển cho HTX vì nhiều lý do. Ông Trần Văn Minh, xóm Tân Sơn, thành viên HTX cho biết: Tôi giờ tuổi đã cao, hơn nữa còn phải trông cháu để cho các con đi làm, kiếm thêm thu nhập nên không có thời gian tham gia vào các hoạt động của HTX.
Còn tại HTX Trà Huỳnh (là HTX chuyên chế biến chè) ở xóm Bình Định 2, xã Bình Sơn, mặc dù cũng có thời gian hoạt động và tạo việc làm cho 13 thành viên trong HTX, nhưng sau 1 thời gian dài hoạt động không hiệu quả, nhận thấy các thành viên không quan tâm cũng như không góp vốn để xây dựng HTX, đồng thời sức tiêu thụ sản phẩm do HTX làm ra không nhiều nên ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc HTX đã làm đơn đề nghị T.P Sông Công cho giải thể HTX. Ngày 4-6, UBND T.P Sông Công đã có Giấy xác nhận về việc giải thể HTX Trà Huỳnh. Tuy nhiên, khi chúng tôi đã làm việc với ông Dương Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn thì ông Hải vẫn thông tin HTX Trà Huỳnh hiện vẫn hoạt động hiệu quả, chỉ có điều chưa phát triển mạnh và chưa xây dựng được thương hiệu, chứ không hề biết HTX này đã giải thể được 2 tháng.
Không cùng chung “cảnh ngộ” với 3 HTX trên, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Quang vẫn hoạt động, nhưng hiện chỉ còn 5 thành viên (đã giảm 25 thành viên so với năm 2015). Theo ông Nguyễn Văn Vân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX thì doanh thu 1 năm của HTX đạt trên 1 tỷ đồng từ việc kinh doanh phân bón, dịch vụ nông nghiệp... Tuy nhiên, doanh thu trên đều do gia đình tự bỏ vốn để kinh doanh chứ các thành viên trong HTX không góp vốn hay tham gia kinh doanh cùng.
Như vậy, qua tìm hiểu thực tế, có thể khẳng định rằng, việc các HTX tại các xã NTM trên địa bàn T.P Sông Công được thành lập còn mang tính hình thức, chủ yếu để đáp ứng các tiêu chí NTM. Bản thân những người đứng đầu HTX và các xã viên chưa chú tâm đưa ra phương hướng hoạt động hiệu quả, dẫn đến tình trạng các HTX gần như đã dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Thứ nữa, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến hoạt động của các HTX cũng như không có hình thức hỗ trợ nào để HTX phát huy thế mạnh, dẫn đến tình trạng HTX “Có cũng như không”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế T.P Sông Công cho biết: Mặc dù là Thành phố công nghiệp nhưng số hộ dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn vẫn chiếm tỷ lệ khá cao. Bởi vậy, thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM thì các HTX được thành lập trên địa bàn hầu hết đều hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nếu các HTX này phát huy được hiệu quả trong hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân. Vì vậy, trước thực trạng các HTX hoạt động kém hiệu quả như hiện nay, thời gian tới chúng tôi sẽ rà soát lại hoạt động của các HTX trên địa bàn, tìm hiểu khó khăn mà các HTX đang gặp phải, từ đó tham mưu, đề xuất với lãnh đạo UBND thành phố để có biện pháp hỗ trợ, giúp HTX phát triển; củng cố những HTX hoạt động kém hiệu quả; xây dựng kế hoạch để các HTX đi thực tế ở một số mô hình HTX hoạt động hiệu quả trên địa bàn; đồng thời tích cực tuyên truyền tới người dân để họ thấy lợi ích thiết thực của phát triển kinh tế tập thể…