Dẻo thơm nếp Thầu Dầu

17:05, 18/11/2018

Thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa nhằm tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác, nâng cao thu nhập cho người dân, những năm gần đây, chính quyền và người dân xã Úc Kỳ luôn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng giống và quảng bá nhãn hiệu tập thể giống nếp Thầu Dầu, góp phần phát triển, đưa nông sản này đến gần hơn với người tiêu dùng.

Những ngày đầu tháng 11, thời điểm lúa nếp Thầu Dầu chín rộ và cho thu hoạch, chúng tôi có dịp đến xã Úc Kỳ. Đi trên những tuyến đường bê tông rộng rãi dẫn ra các cánh đồng miền Hồng Kỳ, qua các xóm Trại, Múc, Tân Lập, Ngoài 1, Ngoài 2, Tân Sơn…, chúng tôi được chứng kiến không khí lao động sôi nổi của bà con. Bà Dương Thị Cậy, ở xóm Ngoài 1 chia sẻ: Nếp Thầu Dầu có đặc trưng thơm, dẻo, vị đậm, có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn các giống nếp khác nên gia đình tôi đã lựa chọn gieo trồng. Những năm qua, nhờ có sự quan tâm của địa phương trong việc xây dựng nhãn hiệu tập thể, triển khai các chương trình phục tráng nếp Thầu Dầu, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất… chất lượng giống, sản phẩm gạo nếp ngày càng nâng lên, được nhiều khách hàng lựa chọn. Do đó, những năm gần đây, gia đình tôi đã thuê thêm ruộng của các hộ dân khác (không có nhân lực) để gieo cấy 20 sào giống nếp này. Vụ này lúa được mùa, mỗi sào gia đình thu được từ 1,6-1,7 tạ, cao hơn năm ngoái từ 0,1-0,2 tạ…

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Văn Giảng, Chủ tịch UBND xã Úc Kỳ cho biết: Nếp Thầu Dầu được bà con gieo trồng trên đồng đất Úc Kỳ từ xa xưa, người dân sử dụng gạo nếp chế biến thành nhiều món ăn, gia vị như bánh dày, bánh chưng, tương nếp. Năm 2012, lúa nếp Thầu Dầu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Qua đánh giá của các nhà chuyên môn, do phù hợp với thổ nhưỡng nên loại nếp này trồng ở Úc Kỳ cho năng suất cao và chất lượng tốt, vì lẽ đó, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia các chương trình phục tráng giống; áp dụng phương pháp canh tác cải tiến SRI để giữ gìn và phát triển giống nếp… Hiện nay, diện tích trồng lúa nếp Thầu Dầu ở xã Úc Kỳ là 71ha (tăng gấp 2 lần so với năm 2012), năng suất lúa từ 33 tạ/ha lên 48 tạ/ha.

Song song với việc nâng cao nhất lượng giống và sản phẩm, chính quyền địa phương cũng chú trọng đến việc đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Từ năm 2013, xã Úc Kỳ đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất lúa nếp Thầu Dầu; đến năm 2016 thành lập Tổ liên kết thu mua và chế biến sản phẩm từ nếp Thầu Dầu. Bà Dương Thị Thành, Tổ trưởng Tổ liên kết cho biết: Hiện nay, 2 tổ được hợp nhất thành Tổ sản xuất, thu mua và chế biến sản phẩm nếp Thầu Dầu với 42 thành viên. Những năm qua, các thành viên trong Tổ luôn nhiệt tình, hăng hái tham gia các chương trình nhằm phục tráng, nâng cao chất lượng giống nếp. Từ năm 2017 đến nay, Tổ xuất bán 6 tạ thóc giống đã được phục tráng đảm bảo tiêu chuẩn để người dân trên địa bàn gieo trồng mở rộng diện tích. Ngoài ra, chúng tôi được hỗ trợ máy hút chân không để đóng gói sản phẩm, được cấp gần 2.000 túi và trên 10.200 chiếc tem, bao bì nhãn hiệu nếp Thầu Dầu. Qua đó, đã có 100 tấn gạo nếp được đóng gói bao bì, có tem mác xuất bán ra thị trường các tỉnh, thành trong nước. Những sản phẩm này đều được Tổ liên kết lựa chọn kỹ, đảm bảo về chất lượng, hạt tròn, bóng nên giá bán luôn đạt từ 25-30 nghìn đồng/kg (cao hơn 20% so với bán thô thông thường).

Ngoài ra, nếp Thầu Dầu được người dân nơi đây lựa chọn làm nguyên liệu để làm tương, góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu, làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ với trên 200 hộ sản xuất kinh doanh, trung bình mỗi năm lượng tương làng nghề cung cấp ra thị trường là trên 1 triệu lít, đem lại doanh thu gần 1 tỷ đồng.

Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của người dân trong xã đạt 36 triệu đồng/người/năm (tăng gần 20 triệu đồng so với năm 2011), tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 6%. Theo ông Dương Văn Giảng, với trên 85% người dân trong xã là hộ làm nông nghiệp thì việc quan tâm, định hướng giúp người dân phát huy lợi thế tiềm năng, đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân là điều rất quan trọng. Thời gian tới, xã thực hiện quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất giống nếp Thầu Dầu với diện tích 25ha trên cánh đồng mẫu lớn; cùng với đó là phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường quảng bá, thúc đẩy liên kết tiêu thụ nông sản cho người dân địa phương, nhất là sản phẩm được làm từ gạo nếp Thầu Dầu…