Hiện nay, diện tích lúa xuân trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh - đứng cái - làm đòng. Những ngày qua, thời tiết có mưa rào, trời nhiều mây, oi bức, độ ẩm cao, là điều kiện thuận lợi cho một số loại sâu bệnh phát sinh, gây hại lúa.
Cụ thể, sâu cuốn lá nhỏ trưởng thành ra rộ với mật độ trung bình 0,03-0,1 con/m2, nơi cao 0,5 con/m2, cục bộ 1 con/m2 (T.P Sông Công, huyện Đại Từ); sâu non có mật độ trung bình 1-2 con/m2, nơi cao 4-8 con/m2; rầy gây hại với mật độ trung bình 20-50 con/m2, nơi cao 120-300 con/m2; sâu đục thân với tỷ lệ hại trung bình 0,2-0,8%, nơi cao 1,5-5% dảnh bị hại. Đặc biệt, bệnh đạo ôn lá xuất hiện với tỷ lệ hại trung bình 0,6-1,5%, nơi cao 2-5%, cục bộ 20-30% lá bị bệnh (T.P Sông Công, T.X Phổ Yên); bệnh khô vằn có tỷ lệ bệnh trung bình 2-5%, nơi cao 10-30%, cục bộ 40-50% dảnh bị bệnh. Tổng diện tích lúa bị nhiễm sâu bệnh gần 800ha, tập trung ở các huyện: Phú Lương, Định Hóa, Phú Bình, T.X Phổ Yên, T.P Sông Công…
Để tránh làm ảnh hưởng đến năng suất lúa, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật khuyến cáo bà con cần chủ động bám sát đồng ruộng, theo dõi diễn biến các đối tượng gây hại trên cây trồng để có biện pháp phun phòng, trừ kịp thời khi đến ngưỡng. Đặc biệt, bà con cần chú ý theo dõi sâu đục thân, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn trên lúa xuân giai đoạn đẻ nhánh rộ, cuối đẻ nhánh, bệnh đạo ôn cổ bông xuất hiện gây hại trên trà lúa trỗ.