Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp - PTNT Hà Công Tuấn tại Hội nghị giống cây trồng lâm nghiệp được tổ chức ngày 12-4, tại Khách sạn Đông Á Plaza (T.P Thái Nguyên). Về phía tỉnh có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự.
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, trong những năm qua, công tác quản lý giống theo chuỗi hành trình từ khâu công nhận giống, nguồn gốc giống, vật liệu nhân giống đến cây con trồng rừng cơ bản được quản lý khá chặt chẽ. Chất lượng giống từng bước được cải thiện, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả rừng trồng, cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho các cơ sở công nghiệp chế biến.Nhờ đó, năng suất rừng trồng cả nước tăng từ 10m3/ha/năm (năm 2009) lên 15 m3/ha/năm hiện nay. Trung bình mỗi năm, các cơ sở sản xuất cây giống cung cấp trên 50 triệu cây nuôi lấy mô, 100 triệu cây giâm hom, 500 triệu cây gieo ươm từ hạt, cơ bản đáp ứng nhu cầu giống cho công tác trồng rừng toàn quốc.
Đối với tỉnh ta, hiện có trên 100 tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp. Giai đoạn 2015-2019, các cơ sở này sản xuất được trên 88,87 triệu cây giống các loại như keo tai tượng, keo Úc, mỡ, quế, keo lai mô… đảm bảo phục vụ đủ nhu cầu trồng rừng hằng năm. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp được thực hiện theo đúng Pháp lệnh giống cây trồng và Quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp như: Vẫn còn khoảng 15% lượng cây giống được xuất bán hằng năm chưa được kiểm soát; số lượng giống được công nhận lớn (183 giống) nhưng mới chỉ có 32,7% số giống được đưa vào sản xuất. Bên cạnh đó, giá thành sản xuất cây giống mô, hom còn cao, nguồn giống có chất lượng di truyền cao còn hạn chế; trong công tác nghiên cứu chọn, tạo giống chưa quan tâm đúng mức tới giống cây bản địa, cây gỗ lớn…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp - PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh, việc phát triển giống cây trồng lâm nghiệp và đưa giống tốt vào sản xuất là yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất và chất lượng rừng trồng. Vì vậy, để tăng cường công tác quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp - PTNT các tỉnh tham mưu chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp quản lý giống, từ khâu công nhận nguồn giống, nguồn gốc và vật liệu giống. Đặc biệt, các doanh nghiệp, hiệp hội cần phát huy hơn nữa vai trò hạt nhân trong việc thúc đẩy các hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh giống, chuyển giao kịp thời những thành tựu khoa học vào sản xuất; liên kết với chủ rừng đầu tư phát triển lâm nghiệp một cách hiệu quả và bền vững.