Dương Thành là xã nghèo của huyện Phú Bình, trước đây người dân chỉ biết cấy lúa, trồng ngô nên đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Từ khi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIV nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ xã Dương Thành đã lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, gắn liên kết với thị trường… đã giúp diện mạo của xã ngày càng khởi sắc.
Đồng chí Nguyễn Văn Ái, Phó Bí thư Đảng bộ xã Dương Thành cho biết: Kết thúc năm 2018, hầu hết các chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIV đều đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, có một số chỉ tiêu đạt cao như: Thu nhập bình quân đạt 36,3 triệu đồng/ người/năm (mục tiêu Nghị quyết là 30 triệu đồng/người/năm vào năm 2020); cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch rõ rệt, giá trị sản xuất công nghiệp, tiêu thủ công nghiệp và dịch vụ chiếm 73% cơ cấu kinh tế (tăng 13% so với chỉ tiêu Nghị quyết)…
Một trong những minh chứng rõ nét cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đó là sự phát triển của các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn, đặc biệt là HTX Ngựa bạch. Anh Dương Xuân Trường, Phó Giám đốc HTX Ngựa bạch cho biết: Hiện, HTX có 54 xã viên (tăng 31 xã viên so với khi mới thành lập năm 2010), cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm, như: cao ngựa bạch, ngựa giống, ngựa thương phẩm. Ngoài thị trường trong tỉnh và khu vực lân cận, hiện sản phẩm của HTX còn được tiêu thụ ngày càng nhiều ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Nhờ đó, trung bình mỗi hộ xã viên thu lãi khoảng 60-70 triệu đồng/năm. Giờ đây, ngựa bạch đã được biết đến như một sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Ngoài định hướng phát triển sản phẩm đặc trưng, Đảng bộ xã Dương Thành còn tuyên truyền đến các chi bộ để các đảng viên và người dân biết tranh thủ vị trí địa lý thuận lợi (có tuyến tỉnh lộ 261C, lại giáp ranh với tỉnh Bắc Giang), ngành nghề vốn có trong dân và các lợi thế được Nhà nước đầu tư để phát triển dịch vụ và tiêu thủ công nghiệp. Ông Hoàng Văn Trường, xóm Phú Dương 2 cho biết: Từ năm 2017, khi xóm được đầu tư trạm biến áp mới, gia đình tôi đã đầu tư thêm máy móc hiện đại để phục vụ sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, từ đó mở rộng quy mô, diện tích nhà xưởng. Hiện, cơ sở sản xuất của tôi đang giải quyết việc làm cho 14 lao động chính và 4-5 lao động thời vụ, với mức thu nhập từ 6-10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, trên 40 hộ sản xuất đồ mộc mỹ nghệ của Dương Thành cũng đã và đang mở rộng quy mô sản xuất, khi xã được đầu tư trên 30 tỷ đồng để nâng cấp 4 trạm biến áp, thay mới toàn bộ đường dây hạ thế, trung thế trong giai đoạn 2012-2018.
Cùng với việc chú trọng phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, Đảng bộ xã Dương Thành còn chỉ đạo các chi bộ phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung gắn với thị trường tiêu thụ. Trong đó, ưu tiên phát triển cây lúa theo mô hình cánh đồng một giống. Hiện nay, 15/20 xóm trong xã đã thực hiện được mô hình cánh đồng một giống, với diện tích từ 5-20ha, chủ yếu thực hiện tại vụ xuân. Ngoài cấy 2 vụ lúa, toàn bộ 145ha diện tích cây mầu cũng được người dân tận dụng, gieo trồng hết diện tích trong vụ đông, trong đó chú trọng việc chuyển đổi trồng các cây mầu có giá trị kinh tế cao.
Bà Đào Thị Phương, xã viên HTX Rau củ quả an toàn xã Dương Thành cho biết: Từ khi tham gia HTX, chúng tôi đã thống nhất trong việc lựa chọn cây trồng, thực hiện đồng loạt và hỗ trợ nhau trong việc chăm sóc, phòng bệnh, ưu tiên việc chăm sóc cây trồng bằng phương pháp hữu cơ. Đặc biệt, HTX đã ký hợp đồng liên kết với các công ty, thương lái để tiêu thụ nông sản cho các xã viên, chủ lực là: dưa chuột, dưa lưới, đỗ tương rau. Hiện một sào đất ruộng chúng tôi thu lãi được 8 triệu đồng/năm, cao hơn 5 triệu đồng so với trước khi vào HTX…
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu của việc chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, Đảng bộ xã Dương Thành đã chỉ đạo UBND và các bộ phận chuyên môn tạo điều kiện tối đa về hồ sơ cho người lao động. Đồng thời, các đoàn thể, các xóm làm tốt công tác tuyên truyền tại các cuộc họp, hoặc sinh hoạt định kỳ chi bộ hàng tháng để giới thiệu về cơ hội tìm kiếm việc làm tại các công ty có uy tín. Nhờ đó, số người được tạo việc làm mới ở xã tăng hàng năm (trung bình có 150 lao động được giải quyết việc làm mỗi năm). Nhờ đó, năm 2018, xã Dương Thành là đơn vị duy nhất của huyện Phú Bình được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Giấy khen vì có thành tích trong công tác giải quyết việc làm.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trong phát triển kinh tế, nên diện mạo của xã Dương Thành có nhiều khởi sắc, đời sống của nhân dân được cải thiện: Số hộ khá và giàu hiện chiếm chiếm tới 54% tổng số hộ trong xã; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm đạt 2%. Đời sống được cải thiện, người dân đã tích cực tham gia đóng góp để xây dựng quê hương. Tính chung trong giai đoạn 2012-2018, xã Dương Thành huy động các nguồn lực được trên 100 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, 50% trong số này được nhân dân đóng góp. Xã đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 (về đích trước 2 năm so với Nghị quyết lần thứ XXIV).
Để có được kết quả trên, đồng chí Nguyễn Văn Ái khẳng định: Quá trình thực hiện, Đảng bộ xã luôn có sự chỉ đạo sát sao; nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện của các chi bộ. Các đồng chí ủy viên ban chấp hành có trách nhiệm theo dõi, dự sinh hoạt chi bộ tại đơn vị được phân công phụ trách; tăng cường công tác tuyên truyền, nêu gương của các đảng viên để người dân làm theo…Về phía UBND xã, đã tranh thủ các nguồn lực, phối hợp với các bộ phận chuyên môn hỗ trợ về nguồn vốn vay ưu đãi, tổ chức các lớp học nghề, tập huấn khoa học kỹ thuật theo nhu cầu của người dân. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện thành lập mới và duy trì các HTX chăn nuôi, trồng trọt để người dân có điều kiện liên kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển… Đặc biệt, Đảng bộ xã Dương Thành đã phát huy được sự đồng thuận, đoàn kết của nhân dân trong xây dựng cơ sở hạ tầng để đảm bảo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Yếu tố ấy có được chỉ khi Quy chế dân chủ được thực hiện theo đúng nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.