Trải qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), tỉnh ta đã đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, được Trung ương đánh giá dẫn đầu các tỉnh miền núi phía Bắc. Góp phần vào thành công chung của Chương trình, ngành Công Thương tỉnh đã và đang tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm của mình. Đặc biệt, Sở Công Thương phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại (XTTM), tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của các địa phương trong tỉnh (thuộc nhóm tiêu chí “kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” theo Chương trình XDNTM).
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thời gian qua, Sở đã tích cực, chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách về XTTM tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, như: Đề án phát triển thương mại hàng nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2011-2020; Quy chế xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình XTTM của tỉnh; Chương trình XTTM, hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2015-2020...
Bên cạnh đó, ngành Công Thương còn tập trung hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp (DN) mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua các hoạt động cung cấp thông tin xu hướng thị trường, giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên Bản tin kinh tế Công Thương, website của Sở Công Thương (tại địa chỉ: http://congthuongthainguyen.gov. vn); phối hợp tổ chức và cấp phép tổ chức 74 hội chợ cấp huyện, cấp tỉnh và khu vực (trong đó tiêu biểu là Hội chợ triển lãm “Mỗi xã, phường một sản phẩm” được tổ chức liên tục từ năm 2015 đến nay đã góp phần “đánh thức”, phát huy những sản phẩm tiềm năng thế mạnh của các địa phương trong tỉnh, tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn). Đồng thời, Trung tâm XTTM (Sở Công Thương) đã phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng cùng các địa phương trong tỉnh tổ chức 37 chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi”; tổ chức trên 30 lớp đào tạo, tập huấn ứng dụng thương mại điện tử, xây dựng website miễn phí cho 71 đơn vị, DN, góp phần đưa trên 1.000 sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh; xây dựng website quảng bá sản phẩm chè gắn với hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm cho 12 đơn vị; hỗ trợ đăng ký thương hiệu, in ấn bao bì, tem nhãn sản phẩm; chứng nhận an toàn thực phẩm, mã số mã vạch...
Lãnh đạo Sở Công Thương cũng đã chỉ đạo Trung tâm XTTM ký biên bản hợp tác với trung tâm XTTM của 6 tỉnh, thành phố về việc liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa các địa phương; hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm miễn phí tại “Điểm bán hàng Việt Nam” (nằm trên đường Bắc Kạn, T.P Thái Nguyên); thành lập đoàn XTTM tham dự các hội nghị kết nối cung cầu, nghiên cứu thị trường tiêu thụ sản phẩm, tham gia nhiều hội chợ triển lãm tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và nước ngoài. Trung bình mỗi năm, Trung tâm XTTM (Sở Công Thương) hỗ trợ 50 lượt DN, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh tham gia những hoạt động nêu trên, nhờ đó nhiều đơn vị đã phát triển kênh phân phối ổn định và đưa được sản phẩm vào các siêu thị uy tín trong cả nước (như Bic C, Fivimart, Coopmart, Lanchi...).
Từ thực tế cho thấy thời gian qua, công tác XTTM đã góp phần hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho nhiều loại hàng hóa nông sản của địa phương. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng còn gặp không ít khó khăn, như: Nguồn lực XTTM cho các thành phần kinh tế còn dàn trải, phân tán nhiều lĩnh vực; ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ một phần cho hoạt động XTTM, tập trung chủ yếu cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, chính sách hỗ trợ mở rộng thị trường chiếm tỷ lệ thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế trên địa bàn tỉnh; hoạt động XTTM gắn với Chương trình XDNTM phải lồng ghép vào nguồn kinh phí không thường xuyên hàng năm. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn có quy mô nhỏ, phân tán; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp nhìn chung chưa cao, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm còn nhiều bất cập; việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sự liên kết giữa “4 nhà” (Nhà nước - DN - nông dân - nhà khoa học) còn nhiều hạn chế nên khâu tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn...
Do đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động XTTM trong thời gian tới, lãnh đạo Sở Công Thương chỉ đạo Trung tâm XTTM tập trung triển khai thực hiện hiệu quả một số giải pháp: Tiếp tục nâng cao sức sản xuất và tăng chất lượng sản phẩm hàng hóa của các cơ sở sản xuất để phù hợp với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, trong đó đặc biệt chú trọng những mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh (như chè, chăn nuôi, rau, củ, quả). Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan: Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp - PTNT, các hiệp hội ngành hàng, Liên minh HTX tỉnh và các huyện, thành, thị trong việc triển khai thực hiện các hoạt động XTTM. Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để tăng cường quảng bá, tiếp thị sản phẩm cả thị trường trong nước và nước ngoài, có giải pháp xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo đạt được tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, truy xuất nguồn gốc. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP); tăng cường hỗ trợ về khâu tiêu thụ bền vững đối với các sản phẩm nông nghiệp địa phương thông qua nhiều hoạt động XTTM, kết nối cung - cầu, hỗ trợ xây dựng mô hình chuỗi giá trị cho các đơn vị, DN...