Với lợi thế về đất đai, thời tiết thuận lợi cho phát triển cây ăn quả, những năm gần đây, huyện Đại Từ đã khuyến khích, hỗ trợ người dân lựa chọn các loại cây ăn quả phù hợp, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dần hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp và gia tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Thị trấn Quân Chu nằm sát chân núi Tam Đảo, có đất đai màu mỡ nên có điều kiện thuận lợi trong trồng cây ăn quả. Những năm qua, nhiều hộ dân trong thị trấn đã mạnh dạn đưa các giống cây ăn quả vào trồng, đưa Quân Chu trở thành một trong những vùng sản xuất cây ăn quả tập trung của huyện, với nhiều giống cây được thị trường ưa chuộng, như: Cam Canh, bưởi Hoàng, bưởi Diễn, nhãn... Chúng tôi có dịp đến thăm vườn cây ăn quả của gia đình anh Lê Văn Lợi, ở xóm 3, thị trấn Quân Chu khi những trái cam Canh sai trĩu cành, căng mọng. Đón chúng tôi, anh Lợi niềm nở thông tin: Vườn cam này từ trung tuần tháng 10 cho tới tháng 12 âm lịch sẽ cho thu quả, trung bình mỗi gốc cam cho thu từ 70-100kg quả. Với 6.000m2 trồng cam Canh, mỗi năm gia đình tôi thu được từ 10-12 tấn quả, sau khi trừ chi phí cho thu lãi khoảng 200-250 triệu đồng.
Không chỉ ở thị trấn Quân Chu, hiện nay, cây ăn quả còn được trồng tập trung tại nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện, như: Cát Nê, Hoàng Nông, Tiên Hội, Bản Ngoại… Qua đánh giá, các mô hình trồng cây ăn quả tại các khu vực có thổ nhưỡng phù hợp, người dân chú trọng đầu tư thâm canh đem lại doanh thu bình quân khoảng 300 triệu đồng/ha/năm. Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Hồ Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ cho biết: Trước đây, người dân đầu tư trồng các loại cây ăn quả không có sự tính toán, chủ yếu là trồng theo sở thích và phục vụ nhu cầu tiêu dùng của gia đình là chính. Tuy nhiên, khoảng chục năm trở lại đây, tư duy người dân đã có nhiều thay đổi, thể hiện ở việc mạnh dạn phát triển các loại cây ăn quả tập trung. Để nâng cao năng suất, chất lượng, người dân đã tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn. Qua đó, năng suất các loại quả khi thu hoạch cao hơn so với trước đây, cụ thể đối với cây nhãn trung bình đạt 7-10 tấn/ha; năng suất bình quân của cây cam đạt 25-30 tấn/ha; cây bưởi cho thu từ 25.000-35.000 quả/ha…
Nhằm khuyến khích người dân trong việc phát triển các mô hình trồng cây ăn quả tập trung, góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác, hướng tới sản xuất hàng hóa, những năm qua, huyện Đại Từ đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo đúng quy trình, tổ chức và phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân. Trung bình mỗi năm, huyện tổ chức khoảng 10 lớp tập huấn về phát triển nông nghiệp, trong đó lồng ghép tập huấn về các kỹ thuật trồng cây ăn quả, giới thiệu các giống cây mới cho bà con. Bên cạnh đó, huyện còn phối hợp với các đơn vị, như: Chi cục Nông nghiệp và PTNT, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Chi cục Bảo vệ thực vật… chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Năm 2019, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã triển khai mô hình thâm canh nhãn, cam tại xã Quân Chu, Cát Nê và thị trấn Quân Chu với quy mô 40ha. Tham gia mô hình, trên 80 hộ dân được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nhãn, cam theo tiêu chuẩn VietGAP, được hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn, tem truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ 6 triệu đồng/ha chi phí cấp giấy chứng nhận lần đầu cho diện tích sản xuất cây ăn quả an toàn theo quy trình VietGAP; hỗ trợ 70% kinh phí mua kéo cắt cành, quả trên cao với mức hỗ trợ không quá 700 nghìn đồng/chiếc… Ngoài ra, từ năm 2018 đến nay, huyện đã thực hiện hỗ trợ kinh phí lắp đặt pano vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho 4 mô hình trồng cây ăn quả tập trung (7 triệu đồng/pano); hỗ trợ 70% giá giống, 50% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Trên cơ sở đó, nhiều vùng sản xuất cây ăn quả tập trung đã được hình thành, đáng chú ý là ở nhiều địa phương, người dân đã tự nguyện liên kết với nhau để hình thành nên các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) trồng cây ăn quả như: HTX Tiên Trường 3; HTX cây ăn quả Hoàng Nông; THT sản xuất nhãn an toàn Tân Tiến 1, Tân Tiến 2; THT sản xuất cam an toàn xã Cát Nê; THT sản xuất cam an toàn thị trấn Quân Chu…
Tính đến thời điểm này, toàn huyện Đại Từ có gần 2.200ha cây ăn quả, trong đó có khoảng 550ha tập trung. Bên cạnh việc khuyến khích nhân dân chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây ăn quả, huyện đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua đưa các giống cây trồng có năng suất, chất lượng vào thâm canh, áp dụng quy trình sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện, toàn huyện đã có 60ha cây ăn quả được cấp chứng nhận VietGAP (bưởi: 20ha; nhãn: 26ha; cam: 14ha). Từ những cơ chế chính sách ưu đãi, sự quan tâm đầu tư về khoa học kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, xây dựng thương hiệu cũng như sự nỗ lực, thay đổi tư duy trong sản xuất của nông dân, tin tưởng rằng cây ăn quả sẽ là một điểm nhấn trong cơ cấu cây trồng của huyện, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương…