Ưu điểm của phương pháp trồng rừng bằng giống keo nuôi cấy mô

14:43, 25/10/2019

Từ tháng 7-2017 đến nay, Phòng Tài chính - Kế hoạch (Sở Nông nghiệp - PTNT) đã phối hợp với UBND xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) triển khai mô hình khảo nghiệm trồng rừng bằng giống keo lai nuôi cấy mô tại xóm Vân Khánh.

Diện tích mô hình trồng khảo nghiệm là 2ha, mật độ trồng 1.100 cây/ha, diện tích keo thường đối chứng là 2ha. Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, sau hơn 2 năm trồng và chăm sóc, mô hình trồng keo nuôi cấy mô có chiều cao cây từ 5-7m, chu vi cây từ 10-15cm; trong khi mô hình trồng bằng keo hom chỉ đạt chiều cao từ 4-5m và chu vi đạt từ 5-10cm. Ngoài ra, giống keo hom trong quá trình phát triển mọc không đều, còn chia ngọn, rỗng ruột. Đặc biệt, đối với cây keo nuôi cấy mô chỉ cho 1 thân, không chia 2 thân như loài cây keo lai hom. Dự kiến, sau chu kỳ từ 8-10 năm, mỗi héc ta nuôi cấy mô có thể đạt từ 100-120m3 gỗ, giá trị kinh tế mang lại bình quân 150 triệu đồng/ha, cao hơn 5 triệu đồng/ha so với hình thức canh tác, trồng rừng truyền thống.