Vì sao các doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp?

13:23, 19/10/2019

Kỳ II: Gỡ khó cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp Có thể thấy, việc các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không chỉ tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động mà còn góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Vậy nhưng, để làm tốt điều này, DN cần sự hỗ trợ từ nhiều phía.  

Phát huy những lợi thế hiện có

Là trung tâm vùng Việt Bắc, Thái Nguyên có nhiều trường đại học, cao đẳng và các khu công nghiệp với số lượng học sinh, sinh viên và công nhân đông, lực lượng lao động dồi dào. Nhu cầu sử dụng các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn phục vụ các bếp ăn tập thể lớn. Vì thế, khi các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ có lợi thế lớn về thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định. Nhận thấy tiềm năng sẵn có, và vài năm trở lại đây, lĩnh vực này bắt đầu thu hút sự quan tâm của một số DN, HTX. Tiêu biểu như các mô hình: Trang trại sản xuất nông nghiệp sạch của DN tư nhân Cao Bắc, ở xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ); Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Trung Na, xã Tiên Hội (Đại Từ); Công ty cổ phần NTEA Việt Nam, chi nhánh Thái Nguyên, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ); Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia (Đại Từ); HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (T.X Phổ yên)... Các DN, HTX đã sử dụng công nghệ nhà kính hiện đại, nhà lưới, màng phủ nông nghiệp, công nghệ thông tin điều khiển tự động về tưới tiết kiệm nước, nhiệt độ, độ ẩm, dinh dưỡng, ánh sáng, hệ thống tưới tự động, thủy canh, công nghệ sinh học... để tạo ra những sản phẩm có tính ổn định về năng suất, chất lượng.

Việc các DN đầu tư sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp tự tìm tòi, đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất đã từng bước tạo ra những sản phẩm có chất lượng. Đơn cử như tại Công ty cổ phần chè Hà Thái (Đại Từ), sản phẩm chè Tôm Nõn của Công ty đã đoạt giải Bạc về chất lượng tại cuộc thi chè Quốc tế, được tổ chức ở Canada vào năm 2016. Đến năm 2017, sản phẩm chè mang tên Vương Phẩm của Công ty cổ phần chè Tân Cương Hoàng Bình đã đoạt giải Đặc biệt tại Cuộc thi Chè Đặc sản Quốc tế Bắc Mỹ, do Hiệp hội Chè Hoa Kỳ và Canada tổ chức. Đặc biệt, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được bảo hộ tại thị trường Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc. Đây cũng là một trong những thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu chè của các DN, HTX.

Xây dựng sản phẩm mang thương hiệu riêng

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang có những bước tiến mạnh mẽ, đã có một số DN tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm đặc trưng, mang thương hiệu riêng, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Đơn cử như Công ty cổ phần NTEA Thái Nguyên, ở xóm Văn Hữu, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ). Ban đầu, Công ty tiến hành cải tạo đất, ủ phân hữu cơ để tiến hành trồng chè theo hướng hữu cơ. Sau 3 năm, khi chất đất đã được hồi phục, không còn tồn dư của phân hóa học, Công ty bắt đầu tập trung chăm sóc cây chè và khai thác từ búp, cọng và lá bánh tẻ để làm ra các sản phẩm như: Chè tôm nõn, chè búp khô, bột trà Matchat, trà thảo mộc, trà sữa. ông Lê Quang Quyết, Giám đốc Công ty CP NTEA Thái Nguyên cho biết: Hiện, Công ty là đơn vị đầu tiên được tổ chức chứng nhận quốc tế Biocer International trao chứng nhận sản phẩm trà đạt tiêu chuẩn hữu cơ nông nghiệp IFOAM. Sản xuất chè hữu cơ mang lại sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời góp phần giữ cân bằng hệ sinh thái và tạo ra môi trường sống tốt hơn. Trong những năm qua, chúng tôi luôn không ngừng ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để góp phần nâng cao năng suất và chất lượng cây chè. Mới đây, công ty đã quyết định đầu tư hệ thống tưới tiêu thông minh 4.0 APPA giúp cho việc chăm sóc cây chè trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Hệ thống tưới tiêu thông minh 4.0 APPA tự động tưới theo hẹn giờ và tự động tưới theo độ ẩm đất. Còn đối với HTX nông nghiệp an toàn Trung Na, xã Tiên Hội (Đại Từ), sau khi trồng rau không đem lại hiệu quả kinh tế như mong muốn, HTX đã tìm hiểu nhu cầu thị trường và chuyển đổi hướng sản xuất. Cụ thể, từ cuối năm 2018, Công ty đã liên kết với các hộ dân trồng nghệ đen với diện tích 35ha và đang chuẩn bị xây nhà máy chế biến tinh bột nghệ. Ngoài ra, trong khu nhà lưới, HTX cũng vừa mới thu hoạch được hơn 20 tấn khoai lang lệ phố với giá bán trung bình 11 nghìn đồng/kg. Trong vụ đông năm nay, HTX tiếp tục trồng cà chua và đã có đơn vị đứng ra cam kết thu mua sản phẩm.

Việc các DN tiên phong trong việc ứng dụng CNC đã góp phần mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà. Cụ thể, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số mô hình ứng dụng công nghệ cao như: Trồng rau, củ, quả trong nhà màng, nhà lưới; sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, tưới tự động... Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều DN đã xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín, có lắp hệ thống điều hòa nhiệt độ. Cùng với đó, áp dụng thêm nhiều công nghệ mới như công nghệ vi sinh, đảm bảo chăn nuôi an toàn dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường và áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo để tạo ra nguồn con giống chất lượng. 

Và những cơ chế đặc thù

DN được xác định là “đầu tàu” trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng. Vì vậy, để tạo điều kiện cho các DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều cơ chế chính sách, như: Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết số 21/2016/NQHĐND, ngày 12/8/2016 của HĐND tỉnh quy định về chính sách đặc thù khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020. Để cụ thể hóa Nghị quyết, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 34/2016/QĐUBND ngày 12/12/2016 chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện. Mới đây nhất, ngày 23-7, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQHĐND quy định chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có những quy định cụ thể về cơ chế thúc đẩy tập trung đất đai, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; định mức hỗ trợ đối với từng loại hạng mục, công trình phù hợp với các mức hỗ trợ theo quy định…

Đặc biệt, mới đây, ngày 17/7/2019, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững. Trong đó, đề ra các giải pháp cụ thể như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm mạnh các rào cản về điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp, tạo sức hấp dẫn để DN đầu tư vào nông nghiệp. Đồng thời, đổi mới cơ chế hỗ trợ DN xúc tiến mở rộng thị trường, hoàn thiện chính sách tín dụng cho các dự án nông nghiệp theo hướng hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; khai thác tối đa các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển nông nghiệp vượt trội, hiệu quả và bền vững. Đặc biệt là thực hiện cơ chế thí điểm về tích tụ, tập trung ruộng đất, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người nông dân và doanh nghiệp. Đây được kỳ vọng sẽ là “cú hích” để các DN đầu tư vào lĩnh vực này có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Ngoài các giải pháp trên, về phía các DN cũng cần tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh, phát huy vai trò đầu tàu trong chuỗi liên kết, chuỗi giá trị nông nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh; nâng cao năng lực năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường…

Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thái Nguyên: Để được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, ngoài các thủ tục cần thiết, DN phải có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả. Đặc biệt, đối với DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thì thị trường tiêu thụ ổn định được xem là yếu tố quan trọng nhất.

Ông Hoàng Thanh giao, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình: Thực hiện mô hình thí điểm xây dựng cánh đồng lớn, đến nay, huyện Phú Bình đã dồn điền đổi thửa xây dựng vùng sản xuất tập trung được hơn 150ha. Trong thời gian tới, huyện sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các DN đến đầu tư. 

Ông chu Văn Khanh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch - Đầu tư): Thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp tổ chức cho các DN, HTX tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước để quảng bá các mặt hàng nông sản có thế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên, về phía DN cũng cần tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.