Lúa nếp Vải được mùa

17:31, 19/11/2019

Lúa nếp Vải là sản phẩm được huyện Phú Lương chú trọng nâng cao chất lượng, mở rộng diện tích và phát triển thương hiệu trong những năm qua. Theo chia sẻ của nhiều người dân, trong vụ mùa năm nay, được sự quan tâm của ngành nông nghiệp huyện, cộng với thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh hại nên năng suất, chất lượng lúa nếp Vải cao hơn so với năm 2018.

Chị Tống Thị Liên, xóm Khau Lai, xã Ôn Lương chia sẻ: Vào thời điểm này năm ngoái, lúa bị lép hạt rất nhiều do lúc hạt đang chắc xanh thì có mưa bão khiến cây lúa bị đổ và nhiều loại sâu bệnh xuất hiện gây hại. Nhưng vụ mùa năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, cộng với tuân thủ kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại được cán bộ nông nghiệp tập huấn, diện tích lúa nếp Vải của gia đình tôi có chất lượng tốt, sản lượng cao hơn năm ngoái. Với 6,5 sào lúa nếp Vải, gia đình tôi thu được trên 10 tạ thóc, tăng 2 tạ so vúái nùm 2018.

Ông Phan Văn Tường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Năm 2019, toàn huyện Phú Lương gieo cấy được 112ha lúa nếp Vải theo mô hình sản xuất lúa nếp Vải tập trung tại 5 xã (Ôn Lương, Phủ Lý, Hợp Thành, Yên Đổ, Yên Trạch). Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao mà giống lúa này đem lại, ngoài diện tích lúa thực hiện trong mô hình, năm nay, người dân tại nhiều xã, thị trấn khác trên địa bàn huyện cũng bắt đầu đưa giống lúa này vào trồng thử với diện tích từ vài sào đến 1ha. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, năm nay, lúa nếp Vải phát triển khá tốt, năng suất trung bình đạt khoảng 48 tạ/ha (tăng gần 3 tạ/ha so với năm 2018).

Không chỉ năng suất tăng, mà người dân còn rất vui mừng vì giá gạo nếp Vải bán ra năm nay tăng hơn năm 2018. Qua trao đổi với người dân, chúng tôi được biết, hiện 1kg gạo nếp Vải bán ra đạt giá trung bình 25 nghìn đồng/kg (tăng 1-2 nghìn đồng so với năm ngoái). 1ha lúa nếp Vải đạt giá trị 87,5 triệu đồng, cao hơn nhiều so với một số giống lúa khác thường gieo cấy trong vụ mùa trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm lúa nếp Vải rất thuận lợi. Từ năm 2018 đến nay, người dân có thể bán cho một số cá nhân thu mua trong xã, những cửa hàng trong và ngoài huyện hoặc bán thóc tươi ngay tại ruộng cho thương lái đến từ các tỉnh. Chị Hoàng Thị Lý, xóm Tiến Bộ, xã Hợp Thành cho biết: Năm nay, gia đình tôi thu hoạch được 1,8 tấn thóc nếp Vải và được một số đầu mối tiêu thụ gạo nếp tại T.P Thái Nguyên và Đại Từ thu mua. Dự kiến, năm nay, thu nhập từ việc bán gạo nếp Vải của gia đình đạt gần 35 triệu đồng.

Có thể thấy, năm nay, bà con nông dân trồng lúa nếp Vải đã có một vụ mùa thắng lợi. Để có được kết quả này, bên cạnh sự nỗ lực của người dân, sự đóng góp của ngành nông nghiệp huyện là không hề nhỏ. Ông Phan Văn Tường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Ngay từ đầu vụ, chúng tôi đã tập trung chỉ đạo cán bộ nông nghiệp các xã hướng dẫn người dân chuẩn bị đất, phân bón, kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh đó, cán bộ nông nghiệp luôn sâu sát đồng ruộng, hướng dẫn bà con chăm sóc lúa. Để nâng cao giá trị sản phẩm lúa nếp Vải, thuận lợi trong tiêu thụ, những năm qua, huyện Phú Lương cũng đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng, quảng bá thương hiệu lúa nếp Vải, nhất là tại các chương trình, hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra,

Bên cạnh việc chú trọng mở rộng diện tích gieo cấy và nâng cao chất lượng lúa nếp Vải, thời gian qua, huyện Phú Lương cũng chú trọng công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu lúa nếp Vải; tích cực quảng bá nhãn hiệu gạo nếp Vải Phú Lương tại các chương trình, hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và PTNN huyện cũng tiến hành cấp giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu “Gạo nếp Vải Phú Lương” cho những cá nhân có nhu cầu để từng bước xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngay tại địa phương.

Thời gian tới, huyện cũng sẽ tiếp tục quảng bá nhãn hiệu “Gạo nếp Vải Phú Lương” kết hợp vận động nhân dân tham gia mô hình sản xuất lúa nếp Vải tập trung, từ đó từng bước hình thành vùng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết.