Ở xã Vạn Thọ (Đại Từ), nhiều người biết đến mô hình trồng nấm mang lại hiệu quả cao của ông Nguyễn Đình Tính, xóm 2. Với diện tích 4.000m2, mỗi năm ông thu hoạch trên 30 tấn nấm các loại, thu lãi từ 400 - 450 triệu đồng, tạo việc làm cho 6 lao động địa phương.
Năm 2004, sau khi đăng ký tham gia khóa đào tạo ngắn hạn về trồng nấm tại Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Đình Tính về làm tư vấn kỹ thuật cho các hộ trồng nấm có quy mô lớn tại huyện Định Hóa và Phú Lương. Qua quá trình thực tế, ông đã tích lũy được kiến thức về đặc tính sinh trưởng và phát triển, quy trình sản xuất nấm. Năm 2014, ông quyết định về địa phương bắt tay vào trồng nấm. Ông đã chuyển đổi hơn 4.000m2 đất lúa kém hiệu quả và vay mượn người thân, ngân hàng để có vốn đầu tư nhà xưởng, thiết bị và các vật dụng phục vụ trồng nấm.
Trong quá trình trồng, ông Tính tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật, chăm sóc, nhờ đó nấm sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất ổn định. Theo ông Tính, điều quan trọng nhất khi trồng nấm là phương pháp xử lý, diệt khuẩn mùn cưa. Bên cạnh đó mặt bằng nhà trồng nấm cũng cần giữ độ thoáng mát, bảo đảm nhiệt độ không vượt quá 25 độ C. Một yếu tố nữa rất quan trọng mà nhiều người bỏ qua đó là người lao động phải sử dụng mũ, bảo hộ lao động và xịt cồn trước khi vào nhà, trại trồng nấm, nhất là thời điểm đang cấy giống. Nếu không đảm bảo yếu tố này, nấm dễ bị nhiễm khuẩn và không sinh trưởng được.
Hiện nay, ông Tính trồng các loại nấm như nấm sò, mộc nhĩ, linh chi. Trong đó, nấm sò được trồng chủ yếu (mỗi năm khoảng 6 vạn bịch) vì đây là loại nấm dễ trồng, dễ bán. Cơ sở sản xuất nấm của ông đang tạo việc làm cho 6 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4-9 triệu đồng/ tháng.
Ngoài ra, ông luôn sẵn sàng hỗ trợ giống, hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật cho bà con nhân dân trong vùng có nhu cầu trồng nấm. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của xã Vạn Thọ, năm 2016, Tổ hợp tác trồng nấm do ông làm Tổ trưởng được thành lập. Không chỉ liên kết sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, nâng cao thu nhập mà các thành viên trong tổ tích cực tham gia các hoạt động của địa phương. Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Vạn Thọ cho biết: Cơ sở sản xuất nấm của ông Tính cũng như Tổ hợp hợp tác trồng nấm là mô hình kinh tế tiêu biểu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của địa phương. Với những thành tích ấy, ông Tính đã được khen thưởng là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Còn với ông Tính, người nông dân muốn thành công, làm chủ trên mảnh đất của mình thì điều đầu tiên cần có là ý chí, quyết tâm, chủ động trong tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp với gia đình. Tiếp đến là sự hỗ trợ vốn, kiến thức, kỹ thuật của các ngành, đơn vị liên quan. Mong muốn của ông trong thời gian tới là tiếp tục được địa phương tạo điều kiện chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả để mở rộng diện tích trồng nấm thêm 2.000m2.