Từ lâu, chè đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện Đại Từ. Hiện nay, toàn huyện có hơn 6.300ha, chiếm 1/3 diện tích chè của toàn tỉnh. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm chè của địa phương, góp phần đưa thương hiệu chè Đại Từ ngày càng vươn xa…
Từ những năm 60 của thế kỷ trước, cây chè đã có mặt và gắn bó với đời sống của đông đảo các dân tộc trên địa bàn huyện Đại Từ. Việc chú trọng phát triển cây chè với mục tiêu đưa cây chè trở thành cây trồng mũi nhọn đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân là một trong những nội dung quan trọng đã được Đảng bộ, chính quyền các cấp quan tâm trong nhiều năm qua. Theo đó, nhiều nguồn lực hỗ trợ đã được tập trung cho phát triển cây chè. Cùng với đó, huyện còn đưa cán bộ khuyến nông về các địa phương để hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến chè; đẩy mạnh việc hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại máy móc tiên tiến vào sản xuất, chế biến và bảo quản chè như: Máy tưới chè bằng van xoay, máy sao chè bằng gas, điện, máy hút chân không... Nhờ đó, năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm chè của huyện ngày càng được nâng lên.
Đến nay, Đại Từ có trên 6.300ha chè với chủ yếu là các giống chè lai cho năng suất và giá trị kinh tế cao như: LDP1, TRI 777, Long Vân, Kim Tuyên, Thúy Ngọc… Nếu như năm 2015, năng suất chè bình quân của huyện mới đạt trên 90 tạ/ha thì nay đã đạt 120 tạ/ha; sản lượng chè búp tươi của huyện đạt gần 70.000 tấn, tăng gần 11.000 tấn so với năm 2015. Đến nay, tổng diện tích chè theo tiêu chuẩn VietGAP đạt trên 730ha, chiếm 11,5% diện tích chè toàn huyện.
Trên địa bàn huyện đã hình thành 43 làng nghề, làng nghề chè truyền thống với nhiều vùng chè trọng điểm, tập trung tại các xã: La Bằng, Phú Cường, Hoàng Nông, Tân Linh… Cùng với đó là gần 100 hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó một số đơn vị đã bước đầu thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè. Việc phát triển các hợp tác xã, làng nghề chè cùng chính sách hỗ trợ của huyện đã tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân. Các hợp tác xã, làng nghề chè đang giải quyết việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương với mức thu nhập bình quân đạt từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng. Năng suất bình quân của các hợp tác xã, làng nghề đạt 115 tạ/ha; giá bán trung bình từ 200.000 - 250.000 đồng/kg chè búp khô. Đối với mỗi người dân Đại Từ, cây chè không chỉ đơn thuần là một loại cây trồng đem lại giá trị kinh tế mà đó còn là văn hóa, là đời sống và là niềm say mê.
Cùng với các giải pháp đồng bộ nâng cao năng suất, chất lượng chè Đại Từ, hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm chè luôn được huyện chú trọng. Và, Lễ hội Trà Đại Từ truyền thống là một trong những giải pháp thiết thực để tôn vinh, quảng bá sản phẩm chè được thực hiện từ nhiều năm nay. Lễ hội tổ chức lần đầu tiên vào năm Nhâm Thìn 2012 và năm 2019 là năm thứ 7. Lễ hội trà Đại Từ đã thực hiện tốt vai trò quảng bá, tôn vinh các sản phẩm trà Việt; là nơi giao lưu, gặp gỡ của người trồng chè, các nhà sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Qua các mùa lễ hội, cùng với việc triển khai thực hiện các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, hoạt động kinh doanh và tiêu thụ chè của huyện cũng đạt được những kết quả quan trọng. Đáng chú ý là sản phẩm đặc sản chè La Bằng “Thanh Hải trà” của Hợp tác xã Chè La Bằng đã từng được chọn làm quà tặng các vị khách dự Tuần lễ cấp cao APEC năm 2017 tại Việt Nam; Công ty cổ phần Chè Hà Thái có sản phẩm đoạt giải Vàng cuộc thi chè Quốc tế tại Bắc Mỹ... Đây chính là thành quả, niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Đại Từ, góp phần đưa thương hiệu chè Đại Từ ngày càng bay xa.
Để tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của cây chè, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nội dung của Đề án Hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu thụ chè huyện Đại Từ giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, huyện sẽ tập trung đầu tư phát triển sản xuất chè theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn, từng bước hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ làng nghề chè tham gia các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại, vận dụng cơ chế hỗ trợ của tỉnh để khuyến khích doanh nghiệp hợp tác, liên kết trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chè cho người dân. Phấn đấu năm 2020, toàn huyện có 20% diện tích chè được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; 30% sản lượng là chè xanh đặc sản chất lượng cao phục vụ nhu cầu nội tiêu và xuất khẩu;…