Từ một xóm miền núi có điều kiện kinh tế khó khăn thuộc diện nhất nhì xã Bá Xuyên (T.P Sông Công), những năm gần đây, người dân xóm Lý Nhân đã biết khai thác thế mạnh của địa phương, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.
Xóm Lý Nhân có 110 nóc nhà. Cư dân của xóm phần nhiều là người Hà Nam, Hưng Yên lên đây xây dựng kinh tế mới từ những năm 60 của thế kỷ trước. Cách đây gần chục năm, nói đến Lý Nhân là nói về xóm có điều kiện kinh tế, cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xóm khi đó chiếm gần 50%.
Nhưng đó là câu chuyện của nhiều năm về trước, giờ đây xóm Lý Nhân đã có sự thay đổi rõ rệt. Để minh chứng sự đổi thay đó, ông Ngô Quang Tỵ, Bí thư Chi bộ xóm đã dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xóm trên con đường bê tông uốn lượn. Hai bên đường là biết bao vườn cây trái trĩu quả đang vào mùa thu hoạch, những ngôi nhà mới khang trang, nhà văn hóa xóm đã được xây mới, công trình kênh mương thủy lợi được cứng hóa. Ông Tỵ bảo: Cuộc sống của người dân nơi đây thay đổi là nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Những năm gần đây, nhiều hộ đã phá bỏ cây bạch đàn, chuyển sang trồng cây ăn quả như bưởi, cam, ổi, chuối tây, quất, dứa… Người này học người kia, từ 1, 2 hộ trồng ban đầu, đến nay, xóm có khoảng hơn 30 hộ trồng với diện tích khoảng 12ha, đưa xóm trở thành vùng trồng cây ăn quả lớn nhất xã Bá Xuyên.
Cũng nhờ cây ăn quả, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Gia đình chị Nguyễn Thị Huyền là một ví dụ. Với 1ha đất đồi, trước đây không biết làm gì chị để mặc cỏ cây mọc um tùm rậm rạp. Sau 4 năm làm thuê, học hỏi được kiến thức từ hộ làm kinh tế giỏi của xóm, chị cải tạo toàn bộ diện tích đất để trồng 200 gốc ổi, 300 gốc bưởi, cam quất kết hợp nuôi ong lấy mật. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị thu lãi trên 150 triệu đồng. Chị Huyền phấn khởi nói: Sau vài năm trồng cây ăn quả, vợ chồng tôi đã thoát nghèo, xây được nhà cửa khang trang, có điều kiện cho con cái học hành đầy đủ.
Bên cạnh đó, chăn nuôi gà cũng là một thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế của người dân Lý Nhân. Không phải chăn nhỏ lẻ như trước nữa, mà mấy năm gần đây, bà con đã đầu tư, xây dựng hệ thống chuồng trại, liên kết với doanh nghiệp theo hình thức nuôi gia công. Đến nay, xóm có 14 trang trại quy mô trên 1 vạn con. Một trang trại trung bình mỗi năm nuôi được khoảng 6 lứa gà, thu lãi hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, để tránh gây ô nhiễm môi trường, xóm cũng vận động các hộ dân tạm thời ngừng mở trang trại mới, cam kết đảm bảo thực hiện quy định của cơ quan chức năng, có tường rào ngăn cách và không xả chất thải, nước thải chưa xử lý vào môi trường.
Từ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, kinh tế người dân có bước phát triển mạnh, xuất hiện nhiều gia đình làm kinh tế giỏi, thu nhập từ 100 - 500 triệu đồng/năm như gia đình ông Dương Đình Số, Đàm Thị Lợi, Ngô Văn Tính, Đồng Văn Vinh, Đồng Văn Phú… Tỷ lệ hộ nghèo của xóm giảm từ 20 hộ năm 2009 nay chỉ còn 2 hộ, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm 70%. Nhiều hộ xây nhà to đẹp, sắm được ô tô, 70% hộ dân sử dụng internet. Đặc biệt, nhiều năm liên tục xóm Lý Nhân đạt danh hiệu xóm văn hóa. Năm 2019, 96% hộ đạt gia đình văn hóa. Người dân trong xóm cũng tích cực hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2019 đến nay, người dân đối ứng trên 1,5 tỷ đồng, hàng nghìn ngày công lao động, hiến hơn 5.000m2 đất và nhiều tài sản khác để làm đường, đồng thời tự bỏ tiền để lắp hơn 5km đường điện chiếu sáng.
Thời gian tới, xóm Lý Nhân tiếp tục duy trì và phát triển vùng cây ăn quả, xây dựng tổ liên kết trồng bưởi, ổi theo hướng VietGAP, nâng cao các tiêu chí phấn đấu để đạt xóm nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2022.