Sớm hỗ trợ người chăn nuôi sau dịch tả lợn Châu Phi

11:37, 02/12/2019

Sau hơn 5 tháng dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trên địa bàn huyện Định Hóa đã có trên 15.000 con lợn bị tiêu hủy (chiếm 34% tổng đàn lợn của huyện), gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước khiến cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn. 

Hơn 10 năm đầu tư chăn nuôi lợn theo quy mô trang trại nhưng chưa bao giờ gia đình ông Lưu Đức Chiều, thôn Khuôn Câm, xã Quy Kỳ (Định Hóa) phải chịu thiệt hại lớn như thời điểm xảy ra dịch tả lợn Châu Phi vừa qua. Trò chuyện với chúng tôi, ông Chiều buồn rầu kể lại: Ngày 3-6, sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn Châu Phi, toàn bộ 560 con lợn trong trang trại của gia đình tôi, gồm: Lợn thịt, lợn nái và lợn đực giống đều phải tiêu hủy với tổng trọng lượng trên 32,2 tấn, ước tính thiệt hại gần 2 tỷ đồng. Gia đình tôi mất ăn, mất ngủ vì toàn bộ tài sản, vốn liếng đầu tư vào trang trại lợn bỗng chốc bị chôn vùi dưới lòng đất. Khoản nợ ngân hàng hơn 400 triệu đồng, cùng gần 500 triệu đồng nợ doanh nghiệp cung ứng thức ăn chăn nuôi không biết đến khi nào gia đình tôi mới trả được. Sau khi tiêu hủy lợn đàn lợn bị nhiễm dịch bệnh của gia đình tôi, UBND xã đã thống kê, kiểm đếm và lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định. Tuy nhiên, đã hơn 5 tháng trôi qua nhưng gia đình vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước. Dù biết đây là tiền hỗ trợ chứ không phải đền bù nhưng chúng tôi rất mong chờ số tiền đó để có thể trả bớt nợ ngân hàng; đồng thời, có nguồn vốn phục hồi sản xuất, chuyển đổi sang chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác.

Cùng chung cảnh ngộ, gia đình ông Đặng Văn Kỳ, thôn Túc Duyên, xã Quy Kỳ (Định Hóa) cũng đang mong ngóng khoản tiền hỗ trợ khoảng 300 triệu đồng sau khi hơn 100 con lợn của gia đình bị mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi buộc phải tiêu hủy từ đầu tháng 52019. Ông Kỳ chia sẻ: Toàn bộ vốn liếng gia đình tôi đã đầu tư hết vào đàn lợn. Sau khi xảy ra dịch bệnh, gia đình tôi không những trắng tay mà còn phải gánh thêm khoản nợ ngân hàng gần 300 triệu đồng. Gần 6 tháng qua, chuồng trại bỏ trống, gia đình tôi dự định chuyển sang chăn nuôi gà, vịt để từng bước khôi phục sản xuất nhưng không có vốn. Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành sớm chi trả tiền hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi theo quy định để chúng tôi dần ổn định cuộc sống và sản xuất. 

Theo thống kê của UBND huyện Định Hóa, từ thời điểm bùng phát dịch tả lợn Châu Phi (tháng 52019) đến nay, đã có hơn 15.000 con lợn của 1.646 hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện bị nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy với tổng trọng lượng gần 800 tấn. Theo quy định, các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy sẽ được nhận hỗ trợ của Nhà nước, mức hỗ trợ cụ thể căn cứ vào các Quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt chính sách hỗ trợ cho chủ vật nuôi có lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi buộc tiêu hủy tại từng thời điểm khác nhau. Căn cứ vào các Quyết định của UBND tỉnh, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Định Hóa đã tổng hợp hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi gửi về Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện. Tuy nhiên, đến nay, toàn bộ các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ theo quy định. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tại các địa phương khác như: Phú Bình, Đại Từ, Phú Lương, T.X Phổ Yên, T.P Thái Nguyên… các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi đến nay, nhiều hộ đã nhận được tiền hỗ trợ.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn anh Tấn, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa cho biết: Nguyên nhân dẫn đến việc chậm chi trả tiền hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi là do số tiền hỗ trợ quá lớn, theo thống kê khoảng 22 tỷ đồng. Hiện nay, nguồn ngân sách địa phương không thể đáp ứng được nên UBND huyện đã có văn bản đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí. Chúng tôi vẫn đang chờ nguồn hỗ trợ của tỉnh. Ngay sau khi tỉnh phân bổ kinh phí về địa phương, chúng tôi sẽ triển khai chi trả cho bà con theo đúng quy định. Ông Tấn cũng cho biết thêm: Theo quy định, kinh phí hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi sẽ được trích từ nguồn Quỹ dự phòng của huyện. Tuy nhiên, mỗi năm huyện chỉ được cấp khoảng 8 tỷ đồng vào nguồn Quỹ dự phòng. Trong khi đó, từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra nhiều đợt thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh... Nguồn Quỹ dự phòng của huyện thậm chí còn không đủ để hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại trong các đợt thiên tai, lũ lụt và cấp cho các địa phương phục vụ cho công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian qua...

Thực tế cho thấy, dịch tả lợn Châu Phi đã khiến cho hàng trăm hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Định Hóa chịu thiệt hại nặng nề, nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần. Mong mỏi lớn nhất các các hộ chăn nuôi lúc này là sớm nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước để từng bước vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.