Đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất vụ xuân

09:10, 09/01/2020

Vụ xuân năm 2020 được dự báo sẽ gặp khó khăn về nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Để chủ động ứng phó với tình hình hạn hán do ảnh hưởng của thời tiết gây ra, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã xây dựng phương án chống hạn nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất.  

Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên hiện được giao quản lý, khai thác 82 công trình, trong đó có 40 hồ chứa, 37 đập dâng, 4 trạm bơm tưới, 1 trạm bơm tiêu. Hiện các công trình thuỷ lợi trên có nhiệm vụ cấp nước tưới cho trên 62.000ha lúa, rau màu, cây công nghiệp và cây trồng khác, tiêu úng cho 1.555ha. Để đảm bảo nước tưới cho sản xuất vụ đông xuân năm 2019-2020, ngay từ đầu mùa mưa, Công ty đã có công văn chỉ đạo các đơn vị trực tiếp quản lý công trình chủ động tích trữ nước để cuối mùa các công trình đạt dung tích thiết kế; đồng thời, điều tiết nước hợp lý để đảm bảo an toàn phòng lũ cho công trình và đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất. Công tác tích nước được Công ty theo dõi chặt chẽ, hằng ngày các trạm, cụm báo cáo mực nước, lượng mưa về Công ty và chỉ mở nước phục vụ sản xuất nông nghiệp không mở nước phục vụ các mục đích khác. 

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Xuân Thiêm, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình cho biết: Hiện nay, trong 40 hồ chứa Công ty quản lý, có 34 hồ đạt trên 80% dung tích thiết kế. Còn lại một số hồ như: Đầm Chiễu, xã Phú Thịnh (Đại Từ); Trại Gạo, xã Tân Hoà (Phú Bình); Cây Thị, Kim Cương, xã Cây Thị; Na Long, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ); Nà Mạt, xã Ôn Lương (Phú Lương) trữ lượng nước chỉ đạt từ 50-70% dung tích thiết kế. Đặc biệt, một số hồ chứa trong những năm gần đây thường xuyên bị thiếu nước như: Hố Cóc, xã Tân Khánh (Phú Bình); hồ 19/5, xã Sơn Cẩm (T.P Thái Nguyên); Trại Đèo, xã Tân Lợi (Đồng Hỷ); Lòng Thuyền, xã La Hiên (Võ Nhai); Đầm Chiễu (Đại Từ)… Nếu không có mưa bổ sung và mưa trong quá trình sản xuất, khả năng sẽ xảy ra hạn hán trong vụ xuân.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, trong tổng số 40 hồ chứa, 10 hồ có dung tích lớn hơn 1 triệu m3, các hồ có nguồn sinh thuỷ tốt, hằng năm Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đều chủ động chỉ đạo tích trữ và điều tiết nước tiết kiệm, hợp lý, do đó các công trình trên đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Còn lại, 30 hồ có dung tích trữ dưới 1 triệu m3, trong đó một số hồ có nguồn sinh thủy kém và được xây dựng từ rất lâu nên đã xuống cấp, các công trình thường ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, lại chịu ảnh hưởng trực tiếp tác động của các điều kiện thời tiết, do vậy việc tích trữ nước gặp nhiều khó khăn. Những năm vừa qua, Công ty đã đầu tư kinh phí để sửa chữa, cải tạo một số công trình bằng các nguồn vốn khác nhau. Các công trình được tu bổ, sửa chữa, nâng cấp đã phát huy hiệu quả rõ rệt, đảm bảo an toàn, trữ đủ và tăng lượng nước trữ, diện tích tưới tăng, thời gian tưới nhanh hơn. Tuy nhiên do nguồn kinh phí có hạn và nhiều nguyên nhân khác, một số hồ vẫn chưa được sửa chữa. 

Đối với các đập dâng, nguồn nước chủ yếu phụ thuộc vào lượng nước sinh thủy trên các sông, suối và lượng mưa trong năm. Trong những năm vừa qua, hạn hán đã xảy ra tại các đập dâng như: Đập Tân Thái, đập Văn La (Định Hóa); đập Rừng Chùa, đập Vai Cái, đập Vực Cảnh (Đại Từ). Công ty đã phối hợp với địa phương thực hiện các biện pháp chống hạn như huy động máy bơm, tát nước, tận dụng nguồn nước của ao, hồ, sông suối, kênh rạch để cung cấp nước phục vụ sản xuất. 

Nói về phương án chống hạn vụ xuân năm 2020, anh Nguyễn Công Thịnh, Chủ tịch Công ty cho biết: Nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, Công ty đã yêu cầu các đơn vị trực tiếp quản lý các công trình kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố, tránh gây ảnh hưởng trực tiếp việc tích trữ nước phục vụ sản xuất và mất an toàn cho công trình. Đồng thời, thực hiện nghiêm công tác quản lý an toàn công trình, vận hành các hồ chứa theo lịch đóng mở nước, chống rò rỉ thất thoát nước. Bên cạnh đó, xây dựng lịch đóng mở nước cho từng công trình phù hợp với lịch gieo cấy và quy trình chăm sóc của từng địa phương.