Nâng cao chất lượng sản phẩm chè Hòa Khê

08:54, 14/01/2020

Hòa Khê 1 là xóm được công nhận làng nghề chè truyền thống đầu tiên của xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ (từ năm 2014). Để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm của làng nghề, những năm qua, người dân ở đây đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.  

Đến xóm Hòa Khê 1 vào một ngày đầu tháng 1-2020, đi trên con đường bê tông phẳng phiu, sạch sẽ, hai bên đường là những nương chè xanh mướt và những ngôi nhà khang trang, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống của người dân nơi đây đang đổi thay từng ngày. Ông Đoàn Văn Vạn, Trưởng xóm, Trưởng Làng nghề chè xóm Hòa Khê 1 cho biết: Cách đây khoảng 5 năm, nếu ai đã từng đến Hòa Khê 1 mới thấy rõ được đời sống của người dân hiện nay nhiều thay đổi. Xóm hiện có tới 60-70% số hộ khá và giàu; thu nhập bình quân đầu người của xóm đang là cao nhất so với các xóm khác trên địa bàn xã, với 40 triệu đồng/người/ năm. 

Xóm Hòa Khê 1 hiện có 240 hộ dân thì gần như 100% số hộ đều trồng và chế biến chè, với tổng diện tích chè toàn xóm là 80ha. Để nâng cao giá trị sản phẩm chè, những năm qua, bà con ở đây đã mạnh dạn chuyển đổi giống chè, đồng thời ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc và chế biến chè. Nhờ đó, năng suất, giá bán sản phẩm chè ngày càng nâng lên. Nếu như cách đây 5 - 6 năm, giá bán sản phẩm chè của bà con chỉ được từ 100-150 nghìn đồng/kg, thì nay đã bán được từ 200-300 nghìn đồng/ kg, nhiều hộ bán được từ 500-700 nghìn đồng/kg. Tính bình quân, mỗi năm làng nghề chè truyền thống xóm Hòa Khê 1 xuất ra thị trường trong và ngoài tỉnh được khoảng 40 tấn chè búp khô, với doanh thu khoảng từ 8-10 tỷ đồng/năm.

Ông Đoàn Văn Vạn cho biết thêm: Trước đây, bà con chủ yếu trồng giống chè trung du. Sau nhiều năm thu hái, nhận thấy giống chè này cho năng suất không cao, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi trồng sang các giống chè cành, như: LDP1, TRI777... Thấy năng suất, chất lượng tăng lên, nhiều hộ dân đã chuyển đổi hẳn sang trồng các giống chè cành. Đến nay, với 80ha chè toàn xóm, có tới 95% diện tích được chuyển sang trồng chè cành. Chị Lương Thị Văn, người dân ở làng nghề cho biết: Gia đình tôi có 6 sào chè, toàn bộ là giống chè cành lai LDP1. Bình quân mỗi lứa cho thu khoảng 1,2 tạ chè búp khô, bán với giá 250-300 nghìn đồng/kg, gia đình thu được khoảng 30-35 triệu đồng/lứa. Nếu so sánh với chè trung du, cùng diện tích này, trước kia, gia đình thu được khoảng 70-80kg, giá bán lại thấp, chỉ từ 100-120 nghìn đồng/kg. 

Không chỉ chuyển đổi giống chè, bà con ở làng nghề chè Hòa Khê 1 còn mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, sản xuất và bảo quản chè. Cụ thể như: Sử dụng giàn phun tưới tự động nhằm giảm công lao động, tăng năng suất; sử dụng máy sao, vò chè bằng mô tơ tự động; đóng gói, bảo quản chè bằng máy hút chân không... Ông Dương Đình Nhu, người dân ở Làng nghề cho biết: Gia đình tôi có 7 sào chè cành lai LDP1. Toàn bộ diện tích này tôi đều lắp giàn tưới tự động để vừa tiết kiệm được nước tưới mà lại giảm được công lao động. Nếu như trước đây, để tưới xong một sào chè mà sử dụng vòi tưới bằng tay mất cả buổi sáng nhưng đến nay, khi lắp giàn tưới tự động, chỉ cắm điện, mở khóa nước, tưới 1 sào chỉ mất khoảng 1 giờ là xong mà không cần người làm, có thời gian làm việc khác. Chè được chăm sóc tốt nên năng suất đã tăng lên nhiều. Trước đây, nếu chăm sóc thông thường cho thu khoảng 13kg/sào/lứa thì nay có thể thu từ 16-18kg chè búp khô/sào/lứa.

Hiện nay, cả làng nghề chè Hòa Khê 1 có tới hơn 90% diện tích chè được phun tưới bằng vòi phun tự động, 100% số hộ sử dụng tôn quay, máy vò bằng mô tơ tự động, khoảng gần 10 hộ có máy hút chân không để đóng gói sản phẩm chè xuất ra thị trường. Ngoài việc tư thương tìm đến mua sản phẩm của làng nghề thì bà con còn xuất bán ra thị trường ở các tỉnh, như: Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Ninh, T.P Hồ Chí Minh... Ngoài ra, để nâng cao giá trị sản phẩm chè, 42 hộ dân ở xóm đang tham gia thực hành sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích hơn 24ha. Bên cạnh đó, bà con ở xóm vừa liên kết để thành lập 3 tổ hợp tác, mục đích là để quảng bá sản phẩm chè của làng nghề chè ra thị trường...