Vẫn đồng đất ấy, nhưng những năm gần đây, giá trị bình quân trên đơn vị diện tích canh tác của huyện Đại Từ liên tục tăng lên, từ trên 90 triệu đồng/ha (năm 2015), đến nay đã đạt 120 triệu đồng/ha. Đó là kết quả của việc thực hiện nhiều giải pháp, trong đó quan trọng nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đưa khoa học kỹ thuật vào trồng trọt.
Thời điểm này, ai về xã Tiên Hội sẽ được ngắm nhìn những vườn bưởi diễn vàng rực quả, chứng kiến cảnh người dân thu hoạch bưởi để bán trong dịp Tết cổ truyền. Năm nay, bưởi diễn được mùa, cây nào cây nấy sai lúc lỉu, đều quả. Chị Lục Ngọc Lệ, xóm Tiên Trường 2 cho biết: Trước khi đưa cây bưởi diễn về đất Tiên Hội trồng, gia đình tôi cũng từng thử trồng qua nhiều loại cây ăn quả nhưng không cho hiệu quả như mong muốn. Đến năm 2003, tôi thử trồng 50 gốc bưởi. Thấy cây bưởi diễn phát triển tốt ở đất này, chất lượng quả ngon, tôi đã dần mở rộng thêm diện tích và đến năm 2013 khi Hợp tác xã Tiên Trường 3 được thành lập, tôi đã tham gia và trồng bưởi đại trà. So với các loại cây gia đình đã trồng trước đó, cây bưởi đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Hiện nay, mỗi năm gia đình tôi thu lãi khoảng 200 triệu đồng từ bưởi.
Nếu như người dân xã Tiên Hội tập trung mạnh vào phát triển cây bưởi thì ở xã Bản Ngoại, bà con lại tập trung vào sản xuất các loại cây màu. Với đặc thù địa hình có cánh đồng rộng, khá bằng phẳng, xung quanh là đồi núi bao quanh, người dân xã Bản Ngoại những năm gần đây đã biết tính toán, lựa chọn những loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất như: Dưa hấu, củ đậu, dưa chuột bao tử, dưa lê... Hiện nay, toàn xã có trên 325ha đất chuyên trồng màu. Bình quân thu nhập mỗi ha đất ở đây đạt khoảng 100 triệu đồng/ha, nhiều diện tích đạt đến 270 triệu đồng/ha, cao hơn hẳn so với bình quân chung của huyện.
Không riêng Tiên Hội, Bản Ngoại, hiện nay, người dân huyện Đại Từ đã tích cực thay đổi cơ cấu, đưa vào sản xuất nhiều loại cây trồng khác nhau. Trên cơ sở đó, huyện đã hỗ trợ để phát triển thành các vùng sản xuất. Đồng chí Phan Thị Chúc, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Huyện đã phân tích điều kiện đất đai, thủy lợi, địa hình ở mỗi địa phương, từ đó xây dựng các mô hình sản xuất, đồng thời hỗ trợ về mọi mặt để bà con phát triển thành những vùng sản xuất tập trung.
Nhờ vậy, cơ cấu cây trồng của huyện đã từng bước được chuyển đổi. Đến nay, toàn huyện có gần 20 nghìn ha đất trồng trọt, trong đó đất cấy lúa là trên 6.700ha, các loại rau màu trên 5.600ha, bưởi trên 200ha, chè là trên 6.300ha... Bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, theo hướng tăng năng suất, chất lượng, giá trị trên diện tích đất trồng trọt. Ông Trương Văn Hoạch, Trưởng xóm Xuân Đài, thị trấn Hùng Sơn cho biết: Người dân Xuân Đài trồng rau từ nhiều năm nay, nhưng sản xuất rau áp dụng quy trình VietGAP thì mới làm từ năm 2012. Hiện nay, thị trấn Hùng Sơn đã có hơn 130 hộ dân tham gia sản xuất rau theo quy trình VietGAP với diện tích hơn 4ha tại xóm Xuân Đài, Đồng Cả, tổ dân phố Cầu Thành 1.
Đối với cây chè, từ năm 2016 đến 2019, toàn huyện đã trồng mới, trồng thay thế được 1.500ha chè bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao, nâng tổng diện tích trồng chè giống mới của huyện từ 4.906ha lên 6.337ha, chiếm 77,4% tổng diện tích chè của huyện. Đến nay, huyện có khoảng 20%/tổng diện tích chè toàn huyện được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP.
Bên cạnh đó, hằng năm huyện đều tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho người dân. Ngoài ra, huyện cũng xây dựng các mô hình điểm để bà con học tập. Hiện nay, huyện đã quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao đối với các loại cây: Lúa, chè, cây ăn quả, rau màu...
Nhờ chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, đồng thời đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên năng suất, sản lượng, chất lượng và giá bán các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện được nâng lên. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân mỗi năm của huyện tăng 4,2%/năm. Năm 2019, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đạt 2.351,8 tỷ đồng, tăng 439,6 tỷ đồng so với năm 2015.