Những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, trên các cánh đồng, bà con nông dân trong tỉnh vẫn đang miệt mài làm đất để chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân. Năm nay, tiết “Lập xuân” vào ngày 4-2 (tức 11-1 Âm lịch) là thời điểm bà con tập trung gieo cấy rộ để tránh lúa trỗ sớm gặp rét, hoặc trỗ muộn gặp thời tiết nóng làm ảnh hưởng đến năng suất.
Tới các xã Hà Thượng, Phục Linh, Bản Ngoại (Đại Từ), chúng tôi quan sát thấy khung cảnh sản xuất nhộn nhịp, người dẫn nước vào ruộng, người be bờ, tiếng máy cày, bừa rộn vang cả cánh đồng. Chị Hoàng Thị Ngân, ở xóm 6, xã Hà Thượng cho biết: Vừa thu hoạch ngô xong, nhà tôi tiến hành dọn dẹp, vệ sinh đồng ruộng và dẫn nước vào để làm đất. Với 2 sào ruộng, nhà tôi thuê máy cày, bừa và chuẩn bị sẵn lúa giống để ăn Tết xong sẽ ngâm ủ và gieo xạ cho kịp khung thời vụ.
Không chỉ riêng gia đình chị Ngân, nhiều hộ dân khác trong tỉnh cũng đang tập trung vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy tàn dư thực vật, quyết tâm hoàn thành khâu làm đất trước Tết âm lịch. Anh Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế T.X Phổ Yên cho biết: Trước khi vào vụ sản xuất, chúng tôi đã phối hợp với các địa phương vận động bà con nạo vét kênh mương, khơi thông cống rãnh để đảm bảo việc tưới, tiêu được thuận lợi nhất. Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con chỉ gieo cấy những giống lúa nằm trong cơ cấu giống đã được UBND tỉnh phê duyệt, không cấy những giống lúa trôi nổi, không rõ nguồn gốc ngoài thị trường để đảm bảo đạt năng suất.
Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo cấy 28.750ha lúa, phấn đấu năng suất đạt 55,03 tạ/ha, sản lượng đạt 258.200 tấn. Cơ cấu giống lúa lai tỉnh khuyến khích bà con đưa vào gieo trồng gồm: SL8HGS9; TH3-3; TH3-4; BTE1; HKT99; Kinh sở ưu 1588; VT404... và các giống lúa thuần gồm: HT1; HT6; Thiên ưu 8; Đài thơm 8; J01; J02; Kim cương 111... Về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, đối với các vùng sản xuất lúa tập trung sẽ được hỗ trợ 30 nghìn đồng/sào. Đối với vùng sản xuất lúa hữu cơ quy mô 50ha tại xã Úc Kỳ (Phú Bình), bà con sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí tuyên truyền, tập huấn, tổ chức sản xuất, in bao bì nhãn mác sản phẩm và 40% kinh phí mua vật tư, gồm: Phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chế phẩm xử lý rơm, rạ.
Vụ xuân năm nay, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản Thái Nguyên đã cung ứng ra thị trường trên 27 tấn giống lúa các loại.
Hiện nay, các đơn vị kinh doanh vật tư nông nghiệp, các doanh nghiệp, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã cung ứng hàng chục nghìn tấn phân bón và giống lúa các loại để phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con. Anh Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản Thái Nguyên cho biết: Đến thời điểm này, chúng tôi đã cung ứng trên 27 tấn lúa giống các loại đến tay bà con nông dân trong tỉnh. Đây là những giống lúa được nhập từ các công ty có uy tín, đảm bảo chất lượng. Trong mỗi gói giống lúa bán ra, chúng tôi đều kèm theo tờ hướng dẫn quy trình ngâm ủ để bà con áp dụng nhằm đạt tỷ lệ nảy mầm cao nhất.
Cùng với việc chuẩn bị tốt các điều kiện về giống, phân bón, kỹ thuật canh tác, UBND tỉnh cũng chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương quản lý, điều tiết nguồn nước hợp lý phục vụ sản xuất. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp đã xây dựng lịch thời vụ, cơ cấu giống chung của tỉnh thông báo cho các địa phương để chỉ đạo sản xuất vụ xuân. Cùng với đó, hướng dẫn bà con áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như: Che phủ nilon để chống rét cho mạ, gieo sạ, cấy mạ khay, cấy lúa theo phương pháp cải tiến SRI... để nâng cao giá trị sản xuất, hạn chế rủi ro do thời tiết. Đồng thời, giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Văn Vượng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo: Đối với những diện tích không trồng cây vụ đông, bà con cần sớm cày lật đất để ải, vệ sinh đồng ruộng nhằm hạn chế nguồn dịch hại, hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc diệt cỏ. Đặc biệt, bà con lưu ý, không gieo mạ hoặc gieo sạ, cấy vào những ngày trời rét đậm, nhiệt độ trung bình dưới 15 độ C. Cùng với đó, các địa phương và nông dân cần tuân thủ lịch thời vụ, cơ cấu giống và các biện pháp chăm sóc, bón phân phù hợp, thường xuyên thăm đồng để kịp thời điều chỉnh các biện pháp canh tác và xử lý hiệu quả sâu bệnh phát sinh trên đồng ruộng.
Có thể thấy, việc chuẩn bị chu đáo các điều kiện phục vụ sản xuất cùng với lựa chọn các loại giống chất lượng và tuân thủ khung thời vụ gieo trồng hợp lý sẽ đảm bảo cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thời tiết bất lợi gây ra, góp phần đem lại những mùa màng bội thu.