Trước tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đặc biệt là dịch cúm gia cầm H5N6 đang bùng phát, lây lan và có những diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước, các ngành chức năng của huyện Định Hóa đã và đang tích cực chỉ đạo, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Với hơn 10 năm gắn bó với nghề chăn nuôi gia cầm, trung bình mỗi năm, gia đình anh Triệu Văn Hoan, xóm Bãi Lềnh, xã Bảo Cường xuất bán trên 15.000 con gà và 10.000 con vịt ra thị trường. Anh Hoan cho biết: Gia đình tôi đã không ít lần bị mất trắng vì dịch bệnh xảy ra trên đàn gia cầm. Vì thế, hơn ai hết, tôi luôn đề cao công tác phòng, chống dịch bệnh tại trang trại của gia đình mình. Vừa qua, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nắm được thông tin hiện dịch cúm gia cầm H5N6 đang bùng phát tại nhiều tỉnh, thành như: Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An… nên tôi khá lo lắng. Để bảo vệ an toàn cho đàn gia cầm, ngoài việc tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh định kỳ theo hướng dẫn của cán bộ thú y xã, tôi thường xuyên phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, bổ sung thức ăn dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng cho đàn gia cầm.
Theo thống kê, huyện Định Hóa hiện có 1.500 con trâu, bò; 39.000 con lợn và trên 750.000 con gia cầm. Những năm gần đây, việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm đã được người dân trên địa bàn huyện đặc biệt quan tâm. Nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và đóng góp quan trọng vào việc nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Vì vậy, để đảm bảo cho đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai kế hoạch tiêm phòng đợt 1 trên đàn vật nuôi để phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm như: Dịch cúm gia cầm, dịch tả, lở mồm long móng, tụ huyết trùng…
Theo kế hoạch, công tác tiêm phòng đợt 1 trên đàn gia súc, gia cầm của huyện sẽ được triển khai thực hiện từ đầu tháng 3 đến trung tuần tháng 4. Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện định Hóa cho biết: Do dịch cúm gia cầm đang bùng phát ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước nên khác với mọi năm, năm nay, huyện sẽ tiến hành tiêm phòng vắc-xin phòng dịch cúm gia cầm trước, sau đó mới tiến hành tiêm phòng cho đàn gia súc. Toàn huyện phấn đấu sẽ tiêm vắc-xin cúm cho trên 50.000 con gia cầm sinh sản. Đối với đàn gia súc, tổ chức tiêm 10.000 liều vắc-xin tụ huyết trùng trâu bò; 15.000 liều vắc-xin lở mồm long móng; 16.000 liều vắc-xin dịch tả lợn; 12.000 liều vắc-xin tụ dấu lợn và 10.000 liều vắc-xin phòng dại chó…
Để công tác tiêm phòng đạt hiệu quả cao, hiện nay, huyện Định Hóa đang tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành rà soát, thống kê, lên danh sách đàn vật nuôi thuộc diện phải tiêm phòng đến từng thôn, xóm. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ, vật tư, hóa chất phục vụ công tác tiêm phòng và tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm việc tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm theo quy định. Bên cạnh đó, huyện cũng đã phát động tháng khử trùng tiêu độc, hướng dẫn các hộ chăn nuôi khử trùng chuồng trại định kỳ bằng hóa chất, vôi bột nhằm tiêu diệt mầm bệnh; thực hiện quản lý chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định trong công tác phòng, chống dịch bệnh vật nuôi. Các cơ quan chuyên môn của huyện thường xuyên cử cán bộ thú y bám sát cơ sở, phát hiện sớm các ổ dịch để có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế lây lan, giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất cho người dân...