Để ngành chế biến gỗ phát triển

10:10, 04/02/2020

Trong những năm qua, cùng với việc làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, Hạt Kiểm lâm T.P Thái Nguyên còn tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản trên địa bàn. Qua đó, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp.  

Gần 30 năm làm nghề mộc, xưởng sản xuất của gia đình ông Nguyễn Thế Hưng, ở tổ 2, phường Đồng Bẩm luôn là địa chỉ tin cậy của khách hàng bởi các sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chủng loại, giá cả hợp lý. Trao đổi với chúng tôi, ông Hưng chia sẻ: Trung bình mỗi năm, nhà tôi tiêu thụ từ 500-800m3 gỗ tròn các loại, chủ yếu được thu mua từ gỗ rừng trồng của bà con nhân dân trong tỉnh. Nhà tôi đã tạo việc làm ổn định cho 8 lao động với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng, doanh thu đạt từ 2,5-3 tỷ đồng/ năm. Được cán bộ kiểm lâm hướng dẫn, được tham gia các lớp tập huấn, nhà tôi có sổ ghi chép tình hình nhập, xuất lâm sản đầy đủ, có nguồn gốc gỗ rõ ràng để tạo thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Tương tự, cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản của gia đình anh Nguyễn Tuấn Hưng, ở tổ 4, phường Thịnh Đán cũng luôn chấp hành tốt các quy định của Nhà nước. Anh Hưng cho biết: Ngoài tuân thủ các quy định của Nhà nước, chúng tôi cũng luôn quan tâm tới công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, toàn Thành phố hiện có trên 100 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh lâm sản, chủ yếu sử dụng gỗ nhập khẩu và gỗ rừng trồng. Nhằm tăng cường quản lý các cơ sở này, thời gian qua, Hạt Kiểm lâm T.P Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ để tiện theo dõi, quản lý. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân nói chung, chủ các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ nói riêng về các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực lâm sản. Cùng với đó tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Chị Lê Thị Tâm, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn cho biết: Luật Lâm nghiệp thay thế Luật Bảo vệ và Phát triển rừng hiện có nhiều điều khoản mới, tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ gỗ rừng trồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở chấp hành tốt các quy định của pháp luật về hồ sơ, thủ tục trong kinh doanh, chế biến gỗ, môi trường, phòng cháy, chữa cháy; không sử dụng gỗ không có nguồn gốc hợp pháp vào kinh doanh, chế biến…

Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Trọng Bằng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm T.P Thái Nguyên cho biết: Hoạt động ổn định của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh lâm sản trên địa bàn đã góp phần tiêu thụ gỗ rừng trồng. Qua đó, thúc đẩy phát triển trồng rừng nhằm bảo vệ môi trường, tạo sinh kế bền vững cho các hộ dân, góp phần thực hiện nội dung tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp. Vì vậy, trong thời gian tới, cùng với việc thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh, chế biến lâm sản của các cơ sở trên địa bàn đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, chúng tôi cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ sản xuất, kinh doanh và chế biến gỗ phát triển, giải quyết việc làm và mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương.