Vụ xuân năm nay, huyện Võ Nhai có kế hoạch gieo cấy 1.600ha lúa. Để đảm bảo nguồn nước tưới, Trạm Khai thác thủy lợi Võ Nhai, các cơ quan chuyên môn của huyện và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch, phương án điều tiết nước phục vụ sản xuất...
Ngay sau Tết Nguyên đán, có mặt tại cánh đồng các xã Dân Tiến và Bình Long, chúng tôi nhận thấy bà con đang xuống đồng, tập trung nhân lực và vật lực để chở phân ra ruộng, làm đất, đắp bờ, dẫn nước vào ruộng. Bà Hoàng Thị Hạt, một hộ dân ở xóm Làng Chẽ, xã Dân Tiến cho biết: Vụ xuân này, gia đình tôi sẽ cấy 5 sào lúa Khang Dân. Nhờ hệ thống kênh dẫn nước từ hồ Quán Chẽ nên toàn bộ diện tích lúa của gia đình đều chủ động nguồn nước cho gieo cấy. Hiện, gia đình đang tập trung chở phân ra ruộng, đắp bờ, dẫn nước vào ruộng để cày bừa và cấy...
Hồ Quán Chẽ là công trình thủy lợi lớn nhất huyện, có dung tích thiết kế 2,47 triệu m3 nước, với 12km kênh chính sau hồ, do Trạm Khai thác thủy lợi Võ Nhai quản lý, khai thác. Anh Âu Văn Phương, Cụm trưởng Cụm khai thác thủy lợi Quán Chẽ cho biết: Công trình phục vụ nước sản xuất cho 360ha lúa/ vụ của 2 xã Dân Tiến và Bình Long. Ngay từ đầu vụ đông, chúng tôi đã phân công anh em phát dọn, nạo vét bùn, vớt rác để khơi thông dòng chảy trên tuyến kênh chính. Chúng tôi cũng thực hiện nghiêm lịch đóng - mở nước, phân phối nước hợp lý, đảm bảo cung cấp đủ nước trên diện tích lúa vụ xuân đã được phê duyệt. Cụ thể, vào thời gian bà con gieo mạ, anh em được phân công trực mở cống với mức 30 lít nước/giây và mở mức 50 lít/giây khi bà con cày, đổ ải...
Hiện nay, huyện Võ Nhai có 129 công trình thủy lợi lớn nhỏ, gồm 18 trạm bơm, 5 hồ, 106 đập. Trong đó, Trạm Khai thác thủy lợi Võ Nhai đang quản lý 2 hồ chứa và 4 đập dâng, UBND huyện quản lý 3 hồ chứa, 102 đập, 18 trạm bơm và 184,8km hệ thống kênh mương dẫn, chuyển nước, phục vụ tưới tiêu cho 3.393,5ha diện tích lúa và hoa màu. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, từ đầu năm đến nay, đã có mưa xảy ra trên địa bàn huyện với lượng mưa khá lớn. Do đó, lượng nước ở hầu hết các các hồ, đập đều bằng cao trình thiết kế, nguồn nước ở ao, khe suối cũng đều tăng so với năm ngoái. Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó trạm trưởng phụ trách Trạm Khai thác thủy lợi Võ Nhai cho biết: Ngay từ đầu vụ, Trạm đã tiến hành phát dọn, nạo vét kênh mương, khơi thông kênh dẫn và sửa chữa một số hư hỏng trên các tuyến kênh chính của hồ Quán Chẽ, đập Nà Kháo. Cùng với đó, chúng tôi cũng xây dựng kế hoạch trữ nước do lũ tiểu mãn để tăng dung tích các hồ chứa, kế hoạch tưới nước cho tất cả các công trình thủy lợi do Trạm quản lý.
Tuy nhiên, nếu nắng hạn kéo dài nhiều ngày liên tiếp thì có thể lượng nước ở các hồ, đập, ao, khe suối sẽ bị thiếu hụt nhanh chóng. Khả năng hạn ở Võ Nhai có thể sẽ xảy ra vào giữa và cuối vụ, nhất là ở các diện tích lúa cuối kênh tưới và các đập tạm do dân tự làm. Qua rà soát, diện tích có khả năng bị hạn khoảng 709ha, trong đó có 338ha phải dùng máy bơm điện, 347ha phải dùng máy bơm dầu bơm nước tưới, 24ha dùng phải các biện pháp khác. Bởi vậy, ngay từ đầu vụ, Trạm Khai thác thủy lợi Võ Nhai, UBND các xã, thị trấn đã và đang thực hiện quản lý điều tiết nước kịp thời, khoa học.
Bà Lương Đỗ Hà My, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai cho biết: Để đảm bảo nhu cầu nước phục vụ cho sản xuất, Phòng đã tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch phòng chống hạn vụ đông - xuân 2019-2020 với diện tích 709ha kể trên bằng các giải pháp cụ thể. Theo đó, các xã, thị trấn chủ động lập phương án phòng, chống hạn, bảo vệ và tiết kiệm các nguồn nước ở hồ, đập; lên kế hoạch sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả; các tổ thủy nông được huy động trực liên tục trong ngày, đảm bảo điều tiết, phân phối nước hợp lý và tiết kiệm nhất; chủ động tích trữ, quản lý chặt chẽ các nguồn nước, chống rò rỉ thất thoát nước, đặc biệt là các hồ chứa lớn như: Hồ Quán Chẽ (Dân Tiến), hồ Lòng Thuyền (La Hiên), hồ Cây Hồng (Lâu Thượng), không được tuỳ tiện tháo nước đánh bắt cá. Khi xảy ra hạn hán, UBND các xã, thị trấn sẽ huy động mọi nguồn lực, sử dụng tổng hợp các biện pháp như: Ống dẫn nước ở các khe lạch, sông suối, sử dụng trạm bơm điện, bơm dầu, các loại máy bơm nhỏ di động để bơm nước kịp thời tưới cho lúa, rau màu. Riêng đối với diện tích bị hạn, không chủ động nguồn nước tưới, các cơ quan chuyên môn đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn chỉ đạo, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng khác như ngô, đỗ tương, lạc...