Việc sử dụng vật tư nông nghiệp (VTNN) kém chất lượng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến năng suất, hiệu quả, chất lượng cây trồng, gây thiệt hại cho người nông dân. Nhằm kiểm soát “đầu vào” phục vụ sản xuất, thời gian qua, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường VTNN. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng VTNN.
Những ngày này, cửa hàng VTNN của gia đình bà Nguyễn Thị Bích, ở xóm Phố, xã Bản Ngoại (Đại Từ) luôn đông khách đến mua giống lúa, phân bón, thuốc trừ cỏ. Trò chuyện cùng chúng tôi, bà Bích chia sẻ: Tôi kinh doanh các loại hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp như: Phân bón, thuốc trừ sâu, giống lúa, giống ngô… đã được hơn 10 năm nay. Ban đầu, khi mới kinh doanh, tôi cũng mắc một số lỗi như: Bảo quản vật tư chưa đúng cách, để chung các loại vật tư… Được cán bộ chuyên môn kiểm tra, nhắc nhở, tôi đã được cập nhật kiến thức về chính sách pháp luật của Nhà nước và chấp hành nghiêm túc.
Tương tự, tại cửa hàng VTNN của gia đình ông Giáp Văn Suốt, ở xã Xuân Phương (Phú Bình) cũng chuyên cung ứng các mặt hàng đảm bảo chất lượng của nhiều đơn vị sản xuất có uy tín trong nước. Ông Suốt cho biết: Hằng năm, cửa hàng chúng tôi đều có cán bộ chuyên môn đến kiểm tra về các nội dung như: Giấy phép đăng ký kinh doanh, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hạn sử dụng... Hiện nay, chúng tôi đã niêm yết giá công khai các mặt hàng bày bán để người dân nắm được. Ngoài ra, chúng tôi còn tư vấn cho khách hàng các sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng.
Còn tại Chi nhánh Vật tư nông nghiệp huyện Đồng Hỷ, trong những năm qua, đơn vị chỉ kinh doanh các loại hàng hóa được phép lưu hành đảm bảo theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhà nước. Cùng với đó, Chi nhánh cũng thực hiện nghiêm túc việc đăng ký giá và niêm yết giá bán hàng hóa, đảm bảo cho bà con nông dân được mua các loại vật tư hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp với giá cả hợp lý. Ông Phạm Văn Thẩm, Giám đốc Chi nhánh cho biết: Hàng hóa chúng tôi nhập về chủ yếu của các đơn vị có uy tín như: Nhà máy Phân lân nung chảy Văn Điển; Nhà máy Supe phốt phát và Hoá chất Lâm Thao; Nhà máy Đạm Hà Bắc… với nguồn cung dồi dào, thuận lợi cho người nông dân lựa chọn mua sản phẩm phục vụ sản xuất. Toàn tỉnh hiện có trên 710 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, 850 cơ sở kinh doanh phân bón, 340 cơ sở kinh doanh giống cây trồng. Đi thực tế tại một số địa phương khác trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy, cơ bản các cơ sở, doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh VTNN đã thực hiện khá tốt các quy định sản xuất, kinh doanh theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở bán sản phẩm không đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn công bố; vẫn còn tình trạng bán sản phẩm đã hết hạn sử dụng, hoặc không niêm yết công khai giá bán. Đặc biệt, tại các chợ ở khu vực nông thôn, đa phần các hộ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật bày bán thuốc bảo vệ thực vật ngay dưới nền đất…
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng VTNN trên địa bàn tỉnh, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh và chất lượng VTNN; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cùng với đó, Chi cục còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh VTNN thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh; thường xuyên tự kiểm tra chất lượng, kịp thời loại bỏ, tiêu hủy những vật tư đã hết hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng. Năm 2019, có trên 100 lô hàng với khối lượng hơn 960 tấn do Chi cục tiến hành kiểm tra đều có đầy đủ thủ tục kiểm dịch thực vật. Ngoài ra, Chi cục cũng tiến hành thanh, kiểm tra trên 110 cơ sở buôn bán giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả, chỉ có 2 có cơ sở vi phạm bị xử phạt số tiền 4 triệu đồng. Còn tính riêng trong tháng 1-2020, Chi cục đã tiến hành kiểm tra 4 đơn vị, cửa hàng với số lượng 12 lô (6 lô hạt giống ngô và 6 lô hạt giống lúa). Các lô hàng có đủ giấy tờ thủ tục kinh doanh thực vật.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Văn Vượng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật cho biết: Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh VTNN hiện cũng còn gặp nhiều khó khăn do số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng này nhiều và phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, còn có tình trạng, khi cán bộ thanh tra đi kiểm tra, các hộ kinh doanh thường gọi điện báo trước cho nhau để tránh đoàn kiểm tra. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn các văn bản quy định của pháp luật về quản lý sản xuất, kinh doanh VTNN cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh, kiểm tra định kỳ và đột xuất, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh VTNN không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng.
Thời điểm này, các cơ sở kinh doanh VTNN trên địa bàn tỉnh đã và đang cung ứng cho người dân các giống lúa, ngô, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để phục vụ sản xuất vụ xuân. Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, nhìn chung, chủng loại và số lượng vật tư tại các cửa hàng kinh doanh cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của bà con. Tuy nhiên, để tránh mua phải hàng kém chất lượng, người dân nên mua VTNN có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại các cơ sở kinh doanh có uy tín, được cơ quan Nhà nước công bố, chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.