Chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với dịch bệnh

08:41, 09/03/2020

Thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 cùng với dịch cúm gia cầm xảy ra tại một số tỉnh, thành trong nước đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp đã chủ động, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn trong chăn nuôi và phòng, chống lây nhiễm các chủng vi-rút cúm nguy hiểm sang người. Để hiểu rõ hơn về nội dung này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn ông PHẠM VĂN SỸ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.  

P.V: Trước hết, ông có thể đánh giá những tác động của dịch bệnh COVID-19 cũng như dịch cúm gia cầm đến tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua?

Ông Phạm Văn Sỹ: Những ngày qua, mặc dù dịch bệnh COVID-19 chưa xuất hiện trên địa bàn tỉnh nhưng cũng đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân. Cụ thể, bếp ăn tập thể ở các trường học tạm ngừng hoạt động; các siêu thị, nhà hàng cũng vắng khách hơn… ảnh hưởng đến giá cả cũng như việc tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp. Đơn cử như giá gà trên địa bàn tỉnh giảm mạnh, gà lông màu giảm khoảng 30%, gà lông trắng giảm khoảng 40%. Bên cạnh đó, một số hộ chăn nuôi cũng chưa mạnh dạn tái đàn vì lo sợ ảnh hưởng của dịch bệnh cúm gia cầm…

P.V: Trước thực trạng trên, ngành Nông nghiệp đã triển khai những giải pháp gì để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và dịch cúm gia cầm, thưa ông?

Ông Phạm Văn Sỹ: Nhằm khống chế, ngăn chặn dịch bệnh cúm gia cầm và góp phần ứng phó với nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh COVID-19 ở người, ngày 06/02/2020, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành kế hoạch số 165/KH-SNN ứng phó với nguy cơ xâm nhiễm vi rút Corona và phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh, trong đó, đề ra các nội dung, giải pháp phòng, chống dịch bệnh như: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam, nội dung Công điện khẩn số 735/ CĐ-BNN-TY ngày 3/2/2020 và Công văn số 724/BNN-TY ngày 1/2/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Nâng cao ý thức cộng đồng, vận động nhân dân tham gia tích cực các biện pháp phòng chống dịch trong hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, buôn bán, giết mổ tiêu thụ gia súc, gia cầm; chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức đào tạo, tập huấn về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật cho đội ngũ cán bộ thú y, về phòng chống bệnh cúm gia cầm. Cùng với đó, tăng cường công tác giám sát chủ động dịch bệnh trên địa bàn, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tới từng thôn, xóm, hộ chăn nuôi; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; tổ chức tháng tổng vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường trên địa bàn toàn tỉnh, tại các vùng chăn nuôi trọng điểm, nguy cơ cao; thực hiện chiến dịch tiêm phòng vắc xin đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi theo quy định… Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh; đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh đi kiểm tra và chỉ đạo, kịp thời ban hành văn bản tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện.

P.V: Nhằm góp phần giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh COVID-19, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản được ngành triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Văn Sỹ: Sở đã tổ chức triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp năm 2020. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác quản lý việc sản xuất, chế biến, vận chuyển, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản và động vật hoang dã theo quy định. Cùng với đó, duy trì và tăng cường đảm bảo nguồn nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh COVID-19 ở người. Ngoài ra, Sở tiếp tục tham gia hoạt động của đội kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, tăng cường kiểm tra tại các chợ, tụ điểm, bếp ăn tập thể có hoạt động kinh doanh, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật. Khuyến cáo người dân làm việc tại các cơ sở giết mổ động vật, nhân viên thú y và người tiếp xúc với động vật, sản phẩm động vật phải áp dụng các biện pháp vệ sinh cá nhân như: Mang đồ bảo hộ khi tiếp xúc với động vật và sản phẩm động vật tươi sống, thường xuyên khử trùng, tiêu độc thiết bị, dụng cụ…

P.V: Vậy còn công tác giám sát và ngăn chặn dịch cúm gia cầm đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Văn Sỹ: Về công tác giám sát dịch bệnh cúm gia cầm, Sở đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức thực hiện giám sát dịch bệnh đến tận cơ sở, hộ chăn nuôi, chú trọng giám sát tại các ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ phát dịch. Vận động nhân dân tích cực tham gia nhằm phát hiện sớm các ổ dịch ngay từ khi mới xuất hiện để xử lý tiêu hủy triệt để đàn gia cầm mắc bệnh, vệ sinh tiêu độc, khử trùng kỹ khu vực, vùng có dịch. Nghiêm cấm việc giấu dịch, bán chạy gia cầm làm dịch bệnh lây lan ra diện rộng; chú trọng chủ động việc kiểm tra, kiểm soát hiện tượng vứt xác động vật chết xuống các sông, suối, hồ, nơi công cộng. Đồng thời, giao trách nhiệm giám sát và xử lý ổ dịch cho cấp ủy, chính quyền cơ sở và nhân viên thú y. Cùng với đó, yêu cầu cơ quan thú y triển khai lấy mẫu xét nghiệm khi phát hiện có gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân, lấy mẫu giám sát lưu hành vi-rút. Nhìn chung, công tác phòng, chống dịch bệnh được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sát sao; công tác tham mưu, hướng dẫn của ngành Nông nghiệp và cơ quan thú y kịp thời; các địa phương cũng chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai tích cực. Do thực hiện đồng bộ các giải pháp nên đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện ổ dịch cúm gia cầm.

P.V: Để đạt hiệu quả cao trong phòng, chống dịch cúm gia cầm thì giải pháp tiêm vắc-xin phòng bệnh và khử trùng tiêu độc đóng vai trò quan trọng. Ông có thể cho biết tiến độ và kết quả công tác tiêm phòng vắc-xin trên đàn vật nuôi tính đến thời điểm hiện tại?

Ông Phạm Văn Sỹ: Thực hiện tháng vệ sinh khử trùng, tiêu độc phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, trong tháng 2, tỉnh đã cấp gần 6.000 lít hóa chất sát trùng. Các huyện, thành, thị trong tỉnh cũng đã chủ động kinh phí mua hóa chất sát trùng và vôi bột phục vụ công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng tại những vùng ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ phát dịch cao. Đến nay, các trang trại, gia trại, cơ sở chăn nuôi đang tiếp tục chủ động mua hóa chất, vôi bột thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng phòng bệnh. Bên cạnh đó, Sở đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y xây dựng kế hoạch tiêm phòng vắc-xin phòng chống bệnh cúm gia cầm. Cụ thể: Đã tiến hành xác định đối tượng, phạm vi tiêm phòng vắcxin; trên cơ sở kết quả giám sát lưu hành vi rút, lựa chọn vắc-xin tiêm phòng phù hợp; các huyện, thành, thị cũng đã rà soát, thống kê, triển khai tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm sớm hơn so với kế hoạch. Dự kiến, toàn tỉnh sẽ triển khai tiêm phòng từ 15 triệu đến 20 triệu liều vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm. Trong đó, tập trung ưu tiên tiêm phòng trước cho đàn gia cầm sinh sản, đàn gia cầm ở các vùng nguy cơ phát dịch cao và tiêm phòng bao vây ổ dịch khi có dịch xảy ra.

P.V: Xin cảm ơn ông!