Tính đến thời điểm này, bà con nông dân trên địa bàn huyện Định Hóa đã cơ bản hoàn thành việc gieo trồng vụ xuân theo đúng khung thời vụ. Để sản xuất vụ xuân giành thắng lợi, huyện Định Hóa đang tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường cử cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các loại cây trồng vụ xuân.
Có mặt tại cánh đồng xóm Nà Chát, xã Linh Thông, chúng tôi được chứng kiến không khí lao động sản xuất rất khẩn trương của bà con nơi đây. Mọi người đều đang tập trung chăm sóc cho diện tích cây trồng vụ xuân của gia đình mình. Cùng với các gia đình khác trong xóm, tranh thủ thời tiết nắng ấm, gia đình bà Ma Thị Lanh, xóm Nà Chát đang khẩn trương làm cỏ, xục bùn và bón phân cho cây lúa. Trò chuyện với chúng tôi, bà Lanh cho biết: Vụ xuân này, gia đình tôi gieo cấy được 5 sào lúa thuần chất lượng cao J02 và 2 sào ngô. Nhờ thực hiện đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, gieo cấy đúng thời vụ, cộng với thời tiết thuận lợi nên lúa, ngô đều sinh trưởng, phát triển tốt, không có sâu bệnh gây hại.
Do đặc thù là huyện miền núi nên thời vụ gieo trồng vụ xuân của bà con nông dân huyện Định Hóa thường muộn hơn so với các địa phương khác trong tỉnh từ 15-20 ngày. Tuy nhiên, năm nay nhờ thời tiết thuận lợi, nguồn nước dồi dào nên từ giữa tháng 2, bà con nông dân trên địa bàn huyện đã cơ bản hoàn thành việc gieo cấy các loại cây trồng vụ xuân theo đúng khung thời vụ và đạt 100% diện tích theo kế hoạch. Toàn huyện đã gieo cấy được 4.000ha lúa, 450ha ngô và trên 740ha cây rau màu khác… Về cơ cấu giống, bên cạnh 2 giống lúa chủ lực là Bao Thai và Khang dân 18, vụ xuân năm nay, toàn huyện còn gieo cấy được trên 400ha lúa lai (chiếm 10% diện tích); 900ha lúa thuần chất lượng cao: J02, Thiên Ưu 8, Bắc Thơm số 7 (chiếm 22% diện tích)… Đối với cây ngô, 100% diện tích gieo trồng đều là các giống ngô lai cho năng suất, sản lượng cao, như: DK4300, NK4300, LVN99…
Với mục tiêu phấn đấu đạt tổng sản lượng lương thực trên 24.000 tấn trong vụ xuân năm nay, ngay từ đầu vụ, UBND huyện Định Hóa đã chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất vụ xuân và tăng cường tuyên truyền, vận động bà con đẩy mạnh sản xuất. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thường xuyên cử cán bộ khuyến nông đến từng thôn, xóm hướng dẫn bà con tiến hành gieo cấy theo đúng lịch thời vụ và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những diện tích không thuận lợi. Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cũng đã tổ chức được 11 lớp tập huấn cho hơn 500 lượt người về kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây trồng vụ xuân.
Người dân xóm Nà Chát, xã Linh Thông (Định Hóa) bón phân thúc lần 1 cho lúa vụ xuân.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Anh Tấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa cho biết: Để sản xuất vụ xuân đạt năng suất và sản lượng đề ra, ngay sau khi người dân hoàn thành việc gieo cấy các loại cây trồng vụ xuân, chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng cán bộ khuyến nông xã, thị trấn thường xuyên bám sát đồng ruộng, hướng dẫn bà con theo dõi, kiểm tra chặt chẽ quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng để chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại. Đồng thời, hướng dẫn bà con sử dụng các loại phân bón phù hợp với điều kiện thực tế của từng chân ruộng và từng loại cây trồng khác nhau, nhằm đảm bảo năng suất, sản lượng cây trồng. Nhờ chủ động bám sát đồng ruộng và kịp thời thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh nên toàn bộ diện tích cây trồng vụ xuân trên địa bàn huyện đều đang sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện nay, cây lúa đang trong giai đoạn bén rễ, hồi xanh, chuẩn bị đẻ nhánh; cây ngô ở giai đoạn 5-7 lá; sắn, khoai lang và các loại rau màu khác cũng đang sinh trưởng, phát triển tốt.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, thời tiết vụ xuân năm nay có thể sẽ ấm hơn so với những năm trước. Điều này có thể sẽ giúp cho các loại cây trồng rút ngắn thời gian sinh trưởng. Tuy nhiên, cũng là điều kiện thuận lợi để các loại sâu bệnh gây hại phát sinh mạnh trên đồng ruộng. Vì vậy, thời gian tới, các cơ quan chuyên môn của huyện sẽ tiếp tục hướng dẫn người dân tập trung chăm sóc cây trồng, bón phân đầy đủ, cân đối; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm xử lý kịp thời khi có sâu bệnh xuất hiện, không để sâu bệnh lây lan trên diện rộng. Bên cạnh đó, phối hợp với các xã, thị trấn làm tốt công tác quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thuỷ lợi để chủ động nguồn nước tưới tiêu cho cây lúa và các loại cây trồng khác.