Doanh nghiệp nông nghiệp tìm cơ hội trong gian khó

08:49, 22/04/2020

Dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN), trong đó có các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đứng trước những khó khăn về thị trường tiêu thụ, thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào..., một số DN, hợp tác xã (HTX) đã phải dừng sản xuất, cho người lao động nghỉ việc không lương. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những DN, HTX năng động, tìm hướng đi trong gian khó.

Trước đây, khi chưa xảy ra dịch COVID-19, trung bình mỗi tháng, HTX Chè an toàn Khe Cốc, xã Tức Tranh (Phú Lương) xuất bán ra thị trường 1 tấn chè búp khô. Thế nhưng, trong 3 tháng trở lại đây, trung bình mỗi tháng, HTX chỉ bán được 1 tạ chè. Anh Tô Văn Khiêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết: Thời gian qua, các hoạt động lễ hội, nhà hàng, quán ăn… đã tạm dừng hoạt động nên ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ chè của chúng tôi. Cuối năm 2019, tôi đã có 2 hợp đồng lớn xuất khẩu chè sang Ba Lan nhưng do tình hình dịch bệnh nên đơn hàng cũng đã bị hủy. Hiện nay, giá chè của bà con trên địa bàn xã cũng bị giảm từ 250 nghìn đồng/kg xuống còn 120 nghìn đồng/kg mà không có người thu mua. Vì vậy, chúng tôi phải hoạt động cầm chừng để phục vụ những khách hàng quen.

Còn đối với Công ty cổ phần Chè Hà Thái, việc xuất khẩu chè sang các nước như: Đức, Mỹ, Ba Lan… cũng đã bị dừng hoàn toàn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhiều đơn vị phân phối của Công ty thời điểm này không nhập hàng do không tiêu thụ được.

Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, không chỉ riêng 2 đơn vị nói trên gặp khó mà đa phần các DN, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 200 DN và trên 260 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ cuối năm 2019 trở về trước, nhiều DN, HTX sản xuất, kinh doanh có lãi và từng bước tăng trưởng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, rất nhiều DN, HTX đang trong tình trạng lượng hàng hóa tồn kho lớn, khó tiêu thụ; việc nhập nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn; vốn đọng trong hàng hóa, nguyên liệu sản xuất...

Thành viên HTX rau, củ, quả Dương Thành (Phú Bình) kiểm tra cà chua trồng trong nhà lưới.

Đứng trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều DN, HTX đã có những giải pháp để ổn định tình hình sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động. Đơn cử như tại Công ty TNHH Nông sản Minh Vân (T.P Thái Nguyên), do bếp ăn tập thể ở các trường học tạm dừng hoạt động nên đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ các mặt hàng rau, củ, quả của đơn vị. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Công ty đã họp bàn và có những giải pháp kịp thời. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Việt Tuyến, đại diện Công ty cho biết: Chúng tôi đã trực tiếp đến chào hàng tại một số đơn vị có uy tín trên địa bàn tỉnh như: Siêu thị Minh Cầu, Cửa hàng trưng bày và giới thiệu các sản phẩm nông sản an toàn của Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh cùng một số cửa hàng thực phẩm an toàn... Ngoài ra, chúng tôi còn phát triển mô hình bán hàng online có kèm dịch vụ giao hàng tận nhà để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhờ vậy, hiện nay, trung bình mỗi ngày Công ty vẫn tiêu thụ được 1 tấn rau, củ, quả các loại.

Còn đối với HTX Chè La Bằng (Đại Từ), do việc tạm dừng hoạt động các phương tiện vận tải công cộng nên đã ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa của HTX. Trước tình hình trên, HTX đã chuyển hướng gửi chè qua bưu điện đến các tỉnh, thành trong nước có hợp đồng tiêu thụ lớn. Bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc HTX Chè La Bằng chia sẻ: Trước đây, chúng tôi gửi hàng qua các phương tiện vận tải với mức giá là 2.500 đồng/kg nhưng nay gửi qua bưu điện giá lên tới 4.200 đồng/kg. Trung bình mỗi tháng, HTX cần xuất từ 2-3 tấn chè, việc cước phí vận chuyển tăng cũng ảnh hưởng tới lợi nhuận của đơn vị. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, nhiều DN, HTX còn không tìm được đầu ra nên chúng tôi chấp nhận mất thêm chi phí sản xuất để có thể tiêu thụ được sản phẩm cho bà con.

Thực tế cho thấy, không chỉ riêng DN, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 mà nhiều ngành nghề khác, lĩnh vực khác cũng đang chịu tác động tương tự. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, các DN, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là DN sản xuất các mặt hàng thiết yếu vẫn có cơ hội lớn. Bởi hiện nay, việc nhập khẩu hàng hóa, nông sản vô cùng khó khăn. Người tiêu dùng sẽ quay lại với các sản phẩm nông sản an toàn trong nước. Vì vậy, đây sẽ là “miếng bánh” cho các DN, HTX tập trung sản xuất những mặt hàng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cung cấp cho thị trường. Ngoài ra, mỗi DN, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng có những giải pháp riêng để có thể khôi phục sản xuất sau khi hết thời gian giãn cách xã hội. Cùng với đó, cắt giảm tối đa chi phí sản xuất và giữ chân người lao động để chờ dịch bệnh được kiểm soát sẽ nối lại các đơn hàng, đảm bảo cung cấp hàng hóa phục vụ nhu cầu của thị trường.